Danh sách Blog của Tôi

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

YÊU NHƯ THẾ NÀO? ( Thùy Dương)




Các bạn ơi, các bạn còn nhớ ngày xưa mình yêu như thế nào không? Còn bọn tớ đã yêu như thế này (hoài cổ tí)

Khoảnh khắc đó,
khi thân mình run rẩy
vòng tay ghì chặt
hơi thở bặt ngừng.
Thế giới bỗng nhiên sững lặng
lá thôi xào xạc
tu hú ngưng lời
cọ thôi ca hát
ngay cả biển cũng quên,
không gào thét.

Khoảnh khắc đó,
đột nhiên
cỏ cây chim thú
đình cuộc chiến tranh tiếp diễn đã bao đời.
Thế giới ngây người
để khỏi quấy rầy ta
để trong lặng yên tĩnh mịch
chỉ còn đôi trái tim mình
đọ sức cùng nhau.

(Thơ Michel Dayanan)

Chúc các bạn cùng gia đình một kỳ nghỉ Lễ thật hạnh phúc!
Thùy Dương

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

LÀM ĂN THỜI KHỦNG HOẢNG (Tác giả:Trần Sĩ Chương)

Đôi điều về tác giả

Ông Trần Sĩ Chương, Managing Principal của Le&Associates, là nhà đầu tư – Chuyên gia tư vấn Quản lý Tài chính & Chiến lược với 20 năm kinh nghiệm tại châu Á. Ông cũng đã từng là Chuyên viên cố vấn kinh tế, ngân hàng và trợ lý pháp lý ngọai giao và ngọai thương Quốc Hội Hoa Kỳ... Từ 1995 đến 2005 ông làm việc tại Việt Nam với chức danh Giám đốc điều hành của James Riedel Associates, Inc., một công ty tư vấn kinh tế quản lý quốc tế có trụ sở tại Washington D.C, cung cấp các dịch vụ tư vấn cho các tổ chức quốc tế như World Bank, IFC, JBIC, JERI, USAAID; và các dịch vụ quản trị và đầu tư cho các ngân hàng và các tập đoàn kinh tế đa quốc gia... Ông thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam & viết báo, viết sách về Quản trị tài chính, FDI, quản trị doanh nghiệp, chính sách đổi mới kinh tế, ngân hàng, thương mại…
Hiện ông đang là Chủ tịch điều hành Quỹ Đầu Tư TranInvest tại Mỹ do ông sáng lập cùng một số cộng sự.
KT26 từng dự một số buổi hội thảo có Ông Chương tham gia thuyết trình và đọc cuốn sách của Ông với tựa đề : Nói Chuyện Làm Ăn.


       Thế giới đang trong thời kỳ biến động với những sự kiện phức tạp chưa từng có. Không riêng gì doanh nghiệp trong nước, giới thương nhân toàn cầu đều khó dự đoán được cục diện kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu. Điển hình như câu chuyện khủng hoảng của nền kinh tế Mỹ đã bắt rễ từ trước thời điểm 2007, khi sự mất cân bằng giữa các cường quốc kinh tế dần lộ diện. Mỹ vung tay quá trán, trong lúc các nước như Trung Quốc làm nhiều, tiết kiệm triệt để, dẫn đến sự mất cân bằng và cái giá phải trả là hệ thống bị đảo lộn, kéo theo những hệ lụy lớn. Tình hình tại châu Âu cũng không kém trầm trọng do số nợ xấu các nước này còn gấp đôi Mỹ khi cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa manh nha. Khả năng giải quyết khủng hoảng của châu Âu lại ở mức thấp, khi họ thiếu một hệ thống tự điều chỉnh tốt và hệ thống chính trị - kinh tế đồng nhất như Mỹ, điều mà một cộng đồng vốn đến với nhau một cách gượng ép như châu Âu không có được. Giữa lúc đó, những biến động ở Trung Đông, thiên tai tại Nhật Bản càng đẩy giá dầu, giá nguyên nhiên liệu tăng cao, góp phần nảy sinh lạm phát toàn cầu khó lòng cưỡng lại được. Theo những dự đoán lạc quan nhất, tình hình kinh tế thế giới khó có thể đạt được mức độ bình ổn tương đối ít nhất trong vòng 3-5 năm tới.
Cần nhìn lại các nguyên tắc kinh doanh
Trở lại vấn đề của Việt Nam, rõ ràng hệ thống chính sách vĩ mô trong nước đang có vấn đề. Sau những đổi mới, cải cách tích cực từ thập niên 1990, nhiều việc cần phải làm vẫn chưa được làm, những điều cần được tiếp tục đổi mới thực hiện quá chậm, khiến nội lực không đủ đáp ứng cầu của xã hội, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp kéo theo nhiều hệ lụy như lạm phát, tỷ giá tăng cao. Nền kinh tế một quốc gia cũng như thân thể con người, khi lối sống không chuẩn thì ngũ tạng dần có vấn đề, vận hành không tốt, dẫu ăn nhiều nhưng chỉ béo phì, tăng trưởng bề ngoài nhưng sức khỏe nội lực không tăng. Ở thời điểm hiện tại, Nhà nước bắt buộc phải có các biện pháp mạnh (dù một số giải pháp tình thế không được xã hội đồng tình), nhưng không thể không làm, bởi đó là cách ổn định tạm thời gần như duy nhất trước khi nghĩ đến việc chữa trị lâu dài.
Câu chuyện tỷ giá là một điển hình cho việc ứng phó tức thời, cấp bách, trong khi lý ra phải có một lộ trình cụ thể và dài hơi hơn, tránh gây sốc cho người dân. Điều này đang gây khó cho doanh nghiệp không ít, khiến môi trường kinh doanh thêm phức tạp.
Khó càng chồng thêm khó khi cái đáy của kinh tế thế giới và của cả kinh tế Việt Nam xảy ra cùng thời điểm. Đứng trước tình hình này, người chủ doanh nghiệp cũng khó lòng nhìn thấu suốt để định hướng được lối thoát cho tương lai.
Không có “giải pháp” nào hiện nay có thể đúng cụ thể cho tất cả ngành nghề. Mỗi doanh nghiệp lại có quy mô, lợi thế, đặc thù khác nhau. Điều quan trọng nhất với doanh nghiệp lúc này là xem lại các nguyên lý bất biến trong quản trị kinh doanh.
Tôn Tử được biết đến nhiều là tác giả của Binh pháp Tôn Tử (The Art of War), nhưng ông còn là bậc thầy của nghệ thuật lãnh đạo. Người điều hành doanh nghiệp, không khác gì lãnh đạo một quốc gia, phải thấu hiểu năm nguyên tắc cơ bản gồm Đạo, Thiên, Địa, Tướng, Pháp. Năm nguyên tắc này có tính hệ thống sâu sắc và có thể ứng dụng linh hoạt cả trong nghệ thuật quản trị kinh doanh.
Trong chuyện làm ăn, thiên thời đồng nghĩa với chiều hướng của câu chuyện làm ăn toàn cầu mà doanh nghiệp đang bị cuốn theo, khó lòng chủ động được. Địa là yếu tố mang tính không gian, nghĩa là hoàn cảnh riêng trong nước của từng doanh nghiệp. Cả Thiên và Địa đều là yếu tố khó thay đổi hay chủ động, nhưng doanh nghiệp phải biết thức thời để tạo thế cho chính mình (dựa trên tình hình thực tế để đoán định phần nào diễn biến sẽ đi về đâu và vị trí của bản thân trong thời và cuộc ấy). Từ đó mới áp dụng được cái Đạo - con đường sáng để giải quyết vấn đề, duy trì phát triển doanh nghiệp. (Trong nghệ thuật lãnh đạo đất nước “Đạo” được đưa lên hàng đầu, là nghệ thuật lãnh đạo của người làm Vua, là tố chất bao gồm Nhân, Trí, Tín, Nghĩa và Dũng).

Ngay cả trong thời thế hiện tại, vấn đề cốt lõi vẫn là con người - con người trong doanh nghiệp (đội ngũ nhân viên) và con người ngoài doanh nghiệp (khách hàng và hiệu ứng từ xã hội để tạo nên thương hiệu). Đây là điểm then chốt để doanh nghiệp đứng vững, bởi chỉ cần một trong hai con người lung lay, doanh nghiệp cũng khó lòng duy trì. Trong thời kỳ khó khăn, nhiều lãnh đạo có xu hướng cắt giảm chi phí và nhân công, nhưng cần phải có cách để xử lý ổn thỏa. Cắt giảm ai để không mất người tài để khi tình hình khả quan hơn, vẫn còn một bệ phóng tốt cho doanh nghiệp tiến xa. Cắt giảm và xây dựng chế độ cho người ở lại hay kẻ ra đi đều không thể “qua cầu rút ván”. Đó là cái Nhân và cái Nghĩa của đạo lãnh đạo. Người tài (“Tướng”) ở lại cần được đãi ngộ để gánh vác khó khăn cùng doanh nghiệp, nhưng người ra đi cũng phải thấy vui vẻ, hài lòng. Bởi một điều quan trọng là khi cần nhân sự thì sự gia nhập lại của người cũ có giá trị gấp nhiều lần việc tuyển dụng người mới, nhờ họ đã hiểu và chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, đồng thời cảm kích cơ hội có lại việc làm. Độ gắn kết sẽ cao và bền vững hơn.
Đối với con người ngoài doanh nghiệp, câu chuyện thị phần quyết định tất cả trong kinh doanh. Trong thời kỳ khó khăn, bản thân doanh nghiệp và các bạn hàng đều lao đao. Thái độ chia sẻ, cảm thông vào thời điểm khó khăn sẽ là phương cách để “giữ mối” về lâu về dài, khiến đối tác, khách hàng luôn nhớ đến những hình ảnh tốt đẹp về doanh nghiệp trước tiên khi hợp tác hậu khủng hoảng. Yếu tố tình cảm trong kinh doanh không phải là chuyện ngoài lề, cần tạo điều kiện để hành vi của mình không chỉ làm tốt mà còn làm lợi cho người đồng hợp tác. Đó là cái “Pháp” đối nhân xử thế trong và ngoài doanh nghiệp, yếu tố tạo nên thương hiệu - hình ảnh công ty rất thuận lợi để phát triển sau này.
Tỉnh táo để định hướng đi
Nguyên tắc cơ bản của hoạt động kinh doanh bất cứ khi nào là tăng thu, giảm chi, tích cực tái cấu trúc để làm cho hệ thống ngày càng tinh gọn hơn. Tăng thu trong thời kỳ khó khăn thực chất chỉ là giảm độ suy thoái, giảm mất mát ở mức độ tối đa có thể được. Giảm chi là cả một nghệ thuật, vì nếu cắt phạm da thịt, phạm xương thì thiệt hại còn lớn hơn. Do đó, cần tỉnh táo để cắt bỏ phần không cần thiết và giảm chi phí cố định xuống mức thấp nhất có thể. Riêng việc tái cấu trúc tuy có vẻ mơ hồ, nhưng đơn thuần là làm cho hệ thống tinh và gọn nhất để tăng hiệu suất đầu tư, tạo nhịp điệu hài hòa cho cả bộ máy và nâng hiệu suất kinh doanh lên cao nhất. Tái cấu trúc không chỉ nằm ở kỹ thuật, mà còn là vấn đề tư duy. Thực hiện được cả ba yếu tố trên là cả một ngành khoa học vận hành, cần những tư vấn thật sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp vẫn có thể bằng cảm quan bình thường (common sense) để cảm nhận và giải quyết được một số vấn đề trước mắt. Nhiều chủ doanh nghiệp thấy được vấn đề nhưng không có quyết tâm và ý chí thay đổi vì đòi hỏi cái “Dũng” - điều khiếm khuyết hơn cả trong bản năng con người. Rào cản lớn cho cải tổ là đòi hỏi nhiều hy sinh về mặt tình cảm, thời gian, ngay cả sự tự tin vào mục đích của cuộc làm mới này. Người lãnh đạo trong thời kỳ gian nan cần có sự quyết liệt, nếu không doanh nghiệp cũng sa vào vũng lầy của nền kinh tế - đã biết được chuyện gì đúng cần làm nhưng không có ý chí triển khai một cách nghiêm túc, triệt để. Chuyện gì đúng mà không dứt khoát làm thì sẽ phải trả giá. Để càng lâu, cái giá phải trả càng cao. Đến một lúc nào đó, khi không trả nổi cái giá do mình tạo ra, doanh nghiệp sẽ phá sản.
Rõ ràng, đứng trước khủng hoảng lớn hiện tại, doanh nhân cần tỉnh táo để định hướng mình. Thông thường, phản ứng dễ gặp nhất của lãnh đạo là làm sao để duy trì được doanh nghiệp, đợi thời phát triển. Nhưng khi nào cũng còn có hai sự lựa chọn khác. Một là không làm gì hoặc làm tối thiểu để sống, chờ đúng thời điểm để đầu tư trở lại. Hai là sau khi định vị tình thế, thời cuộc và vị trí bản thân, họ có thể bỏ đi làm chuyện khác hợp thời hơn. Việc nắm thông tin và khả năng xử lý để tiên liệu là đức tính cần phải có để vượt khủng hoảng.
Trong “nguy” tất có “cơ”. Hiện nay, thật sự có không ít cơ hội đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, cần làm rõ hai khái niệm “làm tiền” và “đầu tư”. Đầu tư có thể là làm tiền, nhưng làm tiền không có nghĩa là đang đầu tư. Làm tiền là làm bất cứ thứ gì (mua bán ngắn hạn, đầu cơ, lướt sóng…) để kiếm ra tiền. Đầu tư là phương cách làm tiền dài hạn (phải nghĩ đến hai năm trở lên), thay vì ngắn hạn. Trong thời nguy biến, cơ hội đầu tư thường rất cao, khi hầu hết đều thiếu vốn, dẫn đến “giá” tài sản xuống rất thấp - cũng đồng nghĩa là “giá trị” lâu dài của tài sản đang tăng. Giá trị lâu dài thật sự của một tài sản là giá trị sử dụng, sinh lợi từ tài sản đó. Như vậy, một căn nhà có “giá” 100 cây vàng có thể được sử dụng để ở, hoặc kinh doanh, cho thuê, có “giá trị” đầu tư dài hạn cao hơn 100 cây vàng bỏ dưới gầm giường không tạo ra một giá trị nào cả, mặc dù ngắn hạn giá vàng có thể tăng và giá nhà có thể xuống.
Chứng khoán trong nước cũng đang ở mức “đáy”. Nước xuống kéo theo mọi thuyền xuống, nhưng không phải con thuyền nào cũng giống nhau. Những công ty có tài sản tốt, mô hình kinh doanh tương đối chuẩn đang có chung số phận trong điều kiện suy thoái. Nhưng khi nước dâng thì đây là những con thuyền có khả năng lướt đi rất nhanh.
Có thể nói, đầu tư đang là một “đường thoát” cho doanh nghiệp, thay vì phải tất tả đi tìm khách hàng mới, phát triển thị trường…, chi tiêu nhiều cho tiếp thị mà hiệu quả không được bao nhiêu.
Điểm tiên quyết cho mọi vấn đề nằm ở vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp biết thức thời, biết tạo thế mới, giữ được “nhân” hòa và định một con đường riêng bản lĩnh nhất.
25/4/2011

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011

ĐÔI ĐIỀU VỀ HẢI PHÒNG XƯA (Tác giả: Nguyễn Xuân Phú)


Dear all,

Hôm nay vào blog kt26 thấy hình ảnh Hải phòng xưa, nổi hứng viết vài dòng chia sẻ với các bạn.

1/ Như các bạn đã biết sau cuộc chiến Pháp - Thanh 1895 hòa ước Thiên tân được ký kết, quân Thanh hoàn toàn "biến" khỏi Việt nam. Mọi quyền lợi tại bán đảo Đông dương hoàn toàn thuộc về Pháp. Lúc này kế họach khai thác thuộc địa lần 1 tại Việt nam bắt đầu.  Nếu muốn tìm hiểu kỹ hơn có thể tra google.

2/ Sau sự kiện 8 cường quốc tấn công Bắc kinh, Từ hy & Quang tự chạy mất dép dẫn đến hòa ước Tân Sửu. Gần 11 nước xâu xé Trung hoa. và miếng bánh Vân nam, Quý Châu rơi vào tay Pháp.

3/ Sau khi tính tóan, các kỹ sư cũng như chuyên gia hàng đầu của Pháp đề xuất phải xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như mọi điều cần thiết khác để "xơi" miếng bánh Vân nam. Chính phủ pháp quyết định phát hành trái phiếu huy động vốn đầu tư vào Bắc kỳ . Cụ thể là đầu cầu Hải Phòng và tuyến đường sắt Hải phòng - Hà nội - Lào Cai- Côn Minh.

4/ Vì lý do nêu trên, Hải phòng thành điểm nóng đầu tư trong giai đọan này. Không có gì khó hiểu khi nhà máy điện đầu tiên (Cửa cấm). Nhà hát lớn đầu tiên, Cảng đầu tiên... trên tòan cõi Đông dương thuộc pháp đều tập trung tại Hải phòng.

5/ Cũng vì những nguyên nhân trên Thế hệ "cửu vạn" đầu tiên tại Hải phòng là người Quảng tây và Quảng Đông . Những bạn nào tiếp xúc với dân cửu vạn chân chính đều biết một số thuật ngữ chuyên ngành còn tồn tại đến bây giờ.

6/ Lượng nhân công tham gia vào các dự án khổng lồ này từ các nguồn Thái bình, Nam Định, Hải hưng, Quảng Ninh.. gia tăng chóng mặt cộng thêm "Tây thực dân" thời kỳ này phần lớn tại miền Nam nước Pháp nên rất nhiều tiểu xảo, tiếng lóng, văn hóa ... ảnh hưởng tới cá tính, hành vi, thái độ ứng xử của dân Hải phòng . Góp phần tạo nên cái gọi là người HP ngày nay.

7/ Mỗi  hình ảnh, địa chỉ, tên gọi, thuật ngữ, tiếng lóng ... sẽ giúp chúng ta  cảm nhận và hoài niệm sâu sắc hơn tự nhiên hơn khi tìm hiểu về lịch sử thành phố 100 năm trước.

Mấy dòng chia sẻ , hy vọng các bạn giúp thế hệ sau tự hào về Hải phòng trên cơ sở khách quan, và khoa học.

Rất vui khi các bạn quan tâm và chia sẻ chủ đề này với cá nhân tôi.

Thân.

NXP     

BỐ TÔI (Tác giả: Thùy Dương)


Câu chuyện về Bố tôi
Vừa rồi có một bài viết thật hay của Bloger Hà Q về Mẹ. Về các đấng sinh thành, chúng mình ở tuổi này đủ chiêm nghiệm để có thể kể thật nhiều câu chuyện về họ. Và hôm nay, tôi muốn kể về Bố tôi.
Bố tôi sinh ra ở thành phố, là con trai duy nhất của ông bà nội tôi, nên Bố được chiều từ bé. Nhà lại có điều kiện, nên Bố ăn chơi theo kiểu công tử. Nghe Mẹ kể, Bố rất đào hoa, đẹp trai và vì thế, bố yêu rất sớm. Năm 18 tuổi, bố đã lấy người vợ đầu tiên. Sau đó, khi bố tham gia phong trào vớ vẩn chi đó, bị bọn Pháp bắt & bỏ tù ngoài đảo Phú Quốc, bà ấy bỏ Bố tôi liền. Nhờ đó mới đến phần Mẹ tôi & tôi được lấy hơi từ họ để ra đời. Bây giờ mọi người có nhìn thấy nét nào đèm đẹp trên khuôn mặt tôi, đó là do được thừa hưởng từ Bố tôi (trộm vía Mẹ). Bố tán Mẹ tôi bằng thơ, sau này anh kế tôi còn mang thơ của Bố gửi Mẹ để đi tán gái (anh cũng là một tay tán gái khá lắm). Đây là một đoạn thơ Bố gửi Mẹ khi trong tù:
“Thư em đến như một liều thuốc mạnh
Sưởi ấm hồn tàn lạnh kẻ ly hương
Tim đập dồn rạo rực một niềm thương
Để hồn nhẹ, nhẹ buông về quá vãng…”
Hồi ở tù, Bố học được nghề y tá. Vì vậy, mang tiếng tù đày, nhưng Bố rất thoải mái đi lại, ăn uống. Cũng trong thời gian đó, Bố bị đau dạ dày, sẵn có moóc phin (một thứ giảm đau thông dụng ngày ấy), bố lấy dùng. Sau rồi thành nghiện.
Ký ức của tôi về Bố, là cái ống hút thuốc phiện. Khi có tiền Bố mua thuốc phiện cất lần 1, khi hết tiền Bố hút sái lần 2, lần 3… Anh kế tôi là người chuyên đi mua thuốc cho Bố. Anh chăm chỉ lùng sục lắm (hình như Bố có boa cho anh? Tôi không rõ lắm, hi hi) Bố hay nằm trong màn cùng với bộ bàn đèn, đông cũng như hè. Cái loại màn ngày xưa, không phải màn tuyn bây giờ, mà chắc bạn nào cũng biết, nó dày bình bịch và ám khói thuốc, nặng chịch & cáu bẩn.
Sau khi ra tù, Bố hành nghề y tá và có một trạm xá ở chợ Con. Hình như Bố kiếm được, đủ để nuôi con & mua thuốc phiện cho mình. Sẵn vẻ ngoài đẹp trai, nói giỏi & rất tâm lý, Bố có một số lượng lớn khách hàng là các bà sồn sồn kinh doanh ở chợ Con. Bố mát tay lắm thì phải, nên các bà cứ thích đến đó. Nghe mọi người kể, Bố toàn chữa bệnh giả dược, nghĩa là cứ tiêm vớ vẩn (nước cất, vitamin C…) rồi bảo thuốc này đặc biệt lắm, tiêm khỏi ngay. Các bà cứ tin sái cổ… Mẹ kể khi bắt đầu mang thai tôi thì Bố làm ăn rất tốt, nên họ coi tôi như là Lộc trời cho (he he…)
Bố lại có một thú tiêu khiển nữa là đánh bạc. Nhà tôi thường xuyên được Bố biến thành sới bạc. Đó cũng là cách để Bố kiếm thêm cho vào tẩu thuốc. Bố có một nguyên tắc bất di bất dịch là: “không lấy tiền nuôi con để hút” nên Bố phải xoay xở thôi. Sau này khi tôi khoảng 10 tuổi, Bố không đi làm nữa mà chỉ ở nhà, do sức khoẻ cũng bị giảm sút & trạm xá đóng cửa.
Vậy là cả nhà 7 miệng ăn, trông vào đồng lương y tá của Mẹ tôi ở bệnh viện Việt Tiệp. Khỏi nói các bạn cũng hình dung nhà tôi khó khăn như thế nào. Chị cả tôi phải đi làm hộ lý để đỡ cho Mẹ và chuyển qua học cấp 3 hệ bổ túc.
Chắc các bạn sẽ nghĩ: Trời, chắc Mẹ Dương khổ lắm! Mẹ kể với tôi: Mẹ cứ đến chỗ làm là quên ở nhà, mà ở nhà là quên việc chỗ làm. Đó là cách để Mẹ làm tròn cả 2 nhiệm vụ & vượt qua khó khăn. Nhưng ấn tượng trong tôi là, dù bố chỉ nằm đấy hút thuốc, Mẹ vẫn rất chiều chuộng bố. Đến bây giờ, tôi vẫn kể với các con tôi: “Ngày xưa bà ngoại mà có làm món cua rẽ rán (cua rẽ là con cua lúc bị lột lớp vỏ cứng), thì do mẹ là út, nên được ăn 2 cái càng, các bác ăn chân. Còn cái mình to nhất thì của ông ngoại”.
Mỗi khi Mẹ đi làm về mệt, nhà cửa bừa bộn, Mẹ vừa dọn nhà vừa cằn nhằn, thì Bố gọi Mẹ lại và nói:”Em cứ ngồi xuống đây, nhà bừa thì em cứ để đấy! Anh đâu có bắt em dọn. Lúc nào em thích làm thì làm, anh không bảo sao cả” Đấy, các bạn thấy sao? Bố Mẹ vẫn gọi nhau là anh em như thế cho đến mãi sau này. Và những lời của Bố làm Mẹ tan bớt mệt nhọc.
Không biết các ông bố của các bạn dạy con thế nào? Bố tôi có cách rất đặc biệt: có 3 ông con trai, một ông phạm lỗi, thì cả 3 ông, khẩn trương tụt quần qua mông, nằm sấp xuống phản. Bố hô: Cái Dương đâu, lấy cho Bố khúc củi. Bố phát rất đau vào cả 3 bộ mông trắng hếu đó, bên cạnh là Mẹ tôi chạy quanh khóc lóc vì xót con. Bố làm thế để 3 anh em phải tự bảo ban nhau. Mỗi lần có vụ đánh truồng, 2 ô cửa sổ nhà tôi bọn trẻ con đứng lô nhố nhòm vào xem như xem kịch. Tôi được thể ra vẻ quan trọng, lon ton ra đóng cửa số lại. Đến bây giờ tôi cũng học bố tôi cách đó (không phải tụt quần đánh), là giao khoán cho 3 đứa việc tự dọn vệ sinh phòng chúng. Cũng hiệu quả ra phết, mà tôi thì không phải làm mà chỉ lo quát mắng mà thôi. Cứ thấy bẩn là tôi mắng tuốt.
Với tôi, vì là út ít, lại là con gái, nên Bố chiều hơn. Nhưng tôi có máu giang hồ, suốt ngày lang thang. Sở thích của tôi là đi xem phim, bất kể phim gì, lại còn xem nhiều lần một bộ phim nữa. Hiện Mẹ tôi vẫn còn giữ bản kiểm điểm mà tôi gửi cho Bố tôi: “Con xin hứa với Bố, từ nay không xem hai lần một bộ phim, và trước khi đi xem phim thì phải xin phép bố, không được tiền trảm hậu tấu” với nét chữ xấu như gà bới, chữ h thì đổ gục xuống. Và mỗi lần Bố đánh tôi, thay cho khúc củi thì chỉ là cái đũa cả. Đặc biệt là sau đó, khi tôi đang đứng khóc hu hu, Bố gọi tôi lại. Tôi rón rén lại gần thì Bố nói: “Bố cho 2 hào ăn kem!”. Vừa đấm vừa xoa là đây.
Không biết có phải vì uy của Bố, mà các anh chị em tôi đều chăm chỉ học hành, chả ai tiêm nhiễm những căn bệnh xã hội trầm kha mà Bố chót mang. Mẹ tôi thật tự hào với hàng xóm, họ hàng, là mặc dù thế, Mẹ & Bố đã nuôi các con lên người, cả 5 anh em tôi đều vào Đại học.
Khi anh lớn tôi tốt nghiệp Đại học Hàng hải & bắt đầu đi làm, cảnh nhà bớt khó khăn, thì Bố tôi mất. Lúc đó tôi mới 12 tuổi, cái tuổi còn chưa dậy thì. Thiếu bố, tôi thấy mình thiệt thòi. Tôi lớn lên tự do, thích sao làm vậy. Đôi khi tôi nghĩ, giá như còn Bố, cuộc đời tôi sẽ khác?
Sau này Mẹ kể lại, trước khi mất, Mẹ ngồi bên Bố, Bố cầm tay Mẹ và nói: “Kiếp sau tôi lại tìm Bà để lấy Bà làm vợ”. Câu nói này cứ in mãi vào đầu tôi, các bạn ạ. Câu đó đủ để thấy rằng, Bố thực sự yêu & cần Mẹ. Liệu chồng chúng ta có nói với chúng ta câu đấy không các bạn gái nhỉ? Phần tôi, tôi đã học được từ Mẹ tôi một điều: Luôn giữ sự ấm áp & tiếng cười trong nhà.
KT26 tặng tác giả và các thành viên bộ phim hoạt hình về cha và con gái.

SO SÁNH HÀ NỘI VÀ SÀI GÒN (Sưu tầm)

Cà phê
Cà phê Sài Gòn với những hàng ghế xếp thẳng hàng như trên xe bus
Cà phê Hà Nội chen chúc với hai đôi tình nhân cùng xếp chung một bàn
Sài Gòn: Đt Cafe + ít sữa + đá + đá + đá \… + đá = 1 ly phê sữa đá, xong cafe có 1 ấm trà to tướng \… chan vào cafe uống \? hết lại có thêm (không cần xin)
Hà Nội: Cafe + sữa + 2 cục đá = cốc nâu đá, xin mỏi miệng đuợc cốc nước lọc
Ăn trưa
Cơm trưa Sài Gòn với tô canh khổ qua hai ngàn rưởi
Cơm trưa Hà Nội với bát nước rau dầm sấu không lấy tiền
Gọi điện ngoài đường
Ở Sài Gòn, bạn hãy dừng xe - dắt lên vỉa hè - quay ngược đầu xe - nếu không muốn chiếc điện thoại của bạn cuốn theo chiều gió
Ở Hà Nội, bạn hãy đứng giữa ngã tư tấp nập người qua để nói chuyện điện thoại - cho cả thế giới biết bạn là ai
Cảm ơn
Ở Sài Gòn, bạn dửng dưng khi thấy cô receptionist cúi gập người chào bạn
Ở Hà Nội, bạn xúc động đến sững sờ khi thấy ai đó nói lời cảm ơn
Cơn mưa
Mưa Sài Gòn giống tính tình các cô gái Sài Gòn - đỏng đảnh nhưng mau quên
Mưa Hà Nội giống tính tình các cô gái Hà Nội - âm ỉ và dai dẳng
Ăn mặc
Ở Sài Gòn, bạn có thể mặc quần short, dép lê đàng hoàng vào Rex
Ở Hà Nội, bạn có thể thấy các bác xe ôm mặc đồ vest đứng chờ khách bên Bờ Hồ
Xe máy
Ở Sài Gòn, họ gọi chiếc xe gắn máy của bạn là xe hai bánh
Ở Hà Nội, họ coi chiếc xe máy của bạn là xe có động cơ
Giao thông
Ở Sài Gòn, bạn có thể vượt đèn đỏ thoải mái - nhưng chớ có đi vào phần đường xe hơi
Ở Hà Nội, bạn có thể lượn lờ trước mũi xe hơi - nhưng đừng có dại dột mà rẽ phải tùy ý
Ở Hà Nội: Đèn đỏ không được rẽ phải
Ở Sài gòn: Đèn đỏ có nơi còn được quẹo trái
Trà đá
Ở Hà Nội, một cốc trà đá của mấy bà hàng nước giá năm trăm đồng
Ở Sài Gòn, cốc trà đá đó có thể pha làm bốn ly nhưng lại miễn phí
Ăn phở
Tô hủ tíu mì Sài Gòn được bưng ra với tô được đặt trên chiếc đĩa
Bát phở gà Hà Nội được khuyến mại với ngón tay cái của con bé bưng bê
Giầy vớ
Đàn ông Hà Nội có thể đi giày mà không cần mang vớ
Con gái Sài Gòn có thể đi vớ mà không cần mang giày
Con đường
Hà Nội: Đường, phố, ngõ, ngách
Sài Gòn: Đại lộ, đường, hẻm, hẻm
Đụng hàng
Khi hai cô gái cùng thích một món đồ giống hệt nhau
Con gái Hà Nội: “Tớ với ấy cùng mua nó nhé?”
Con gái Sài Gòn: “Ấy mua rồi à? Vậy tớ sẽ chọn thứ khác”
Dao dĩa
Khi bạn nói: “Cho tôi thêm một cái dĩa” với người bồi bàn
Ở Hà Nội: Người ta sẽ mang cho bạn một cái nĩa
Ở Sài Gòn: Họ sẽ mang cho bạn một chiếc đĩa
Tỏ tình
Khi bạn nói với một cô gái: “Thế em có yêu anh không?”
Con gái Hà Nội: “Nếu nói không thì sao”
Con gái Sài Gòn: “Tại sao lại không nhỉ!”
Ca ve
Khi bạn vừa thanh toán xong tiền cho cave…
Cave Hà Nội: “Cho em xin thêm 10 nghìn để còn đi xe ôm về?”
Cave Sài Gòn: “Em bớt cho anh 10 ngàn, lần sau nhớ kiu em nhạ..”
Ăn sáng
Khi bạn nhận lời đề nghị của người bạn: “Đi ăn sáng với tớ nhé?”
Ở Hà Nội: Hoặc là bạn có nhiều hơn 20 ngàn, hoặc là chả cần xu keng nào!
Ở Sài Gòn: Điều kiện cần và đủ: Bạn có tối thiểu 10 ngàn trong túi!
Dạ vâng
Khi phụ huynh người yêu bạn có lời mời bạn đến nhà dùng bữa
Ở Hà Nội: Bạn nói: “Dạ, vâng!”
Ở Sài Gòn:! Đã “Dạ” thì khỏi cần “Vâng”
Chào hỏi
Khi bạn chào phụ huynh bố mẹ người yêu trước khi ra về
Ở Hà Nội: “Cháu chào cô cháu về!”
Ở Sài Gòn: “Con thưa dì con dzìa!”
Giàu có
Bạn được coi là giàu có khi…
Ở Hà Nội: Bạn có rất nhiều tiền
Ở Sài Gòn: Bạn tiêu rất nhiều tiền
Giữ xe hàng quán
Hà nội: Giữ xe miễn phí
Sài gòn: “Anh cho xin 2 ngàn”
Uống bia
Hà nội: Bia hơi, lạc rang, 9 giờ phắn
Sài Gòn: Chai lạnh, đá to, nồi lẩu, nửa khuya dzìa
Karaoke
Hà Nội: Chọn bài, hát vui là chính, hát sai tông cũng kệ
Sài Gòn: Chọn số, hát hay là chính vì thế hát rất tình cảm. Nhỡ mà sai tông sẽ quê lắm đấy ạ
Xôi
Hà Nội: Gói lá khoai hay lá sen, xôi đồ bằng chõ
Sài Gòn: Cho vào hộp, hay bịch nylon, cơm nếp nấu bằng nồi
Phở
Hà Nội: Khó mà thiếu mì chính, quẩy
Sài Gòn: Làm sao ăn phở được khi mà không có rau, giá và tương đỏ (hoặc đen)
Siêu thị
Hà Nội: Đắt đỏ, hàng hóa không thiết thực
Sài Gòn: Thuận tiện, giá rẻ như chợ. Là nơi thư giãn mỗi cuối tuần cả gia đình
Nhà sách
Hà Nội : Nhân viên hách dịch
Sài Gòn : Vào đọc chùa thoải mái, nhất là các em bé, có thể ngồi tại chỗ đọc mà không sợ bị đuổi
Chùa chiền
Hà Nội: Bước chân vào là thấy lõng nhẹ bẫng, hỉ nộ ái ố đã để lại ở phía ngoài cửa
Sài Gòn: Không gian ồn ào, không tịnh
Tào phớ
Hà Nội: Lát mỏng, nhớ ngày xưa hay hớt bằng vỏ con trai!
Sài Gòn: Lát dày cục, có gừng trong nước đường chứ không phải là hoa nhài
Chè
Hà Nội: Ăn trong cốc, bát nhỏ
Sài Gòn: Thường có nước dừa. Vội thì cắn 1 góc bịch chè và mút
Cắt chanh
Hà Nội: Bổ ngang
Sài Gòn: Bổ dọc 2 bên, bỏ  phần giữa
Lơ đễnh đụng phải xe dừng đèn đỏ đằng trước
Hà Nội: Fẹc đoẹ mịa @%$^&*
Sài Gòn: Nạn nhân chỉ quay lại xem thủ phạm là ai rồi… chờ đèn xanh tiếp
Cây xanh
Hà Nội: Nhớ phố hoa sữa Nguyễn Du, hàng sấu trên Trần Hưng Đạo
Sài Gòn: Me xanh đường Trần Văn Thủ, cây sao trên Ba tháng hai
Nước canh rau muống
Hà Nội: Sấu, chanh
Sài Gòn: Me, chanh
Tán gái
Gái Hà Nội: dễ tán, khó bỏ
Gái Sài Gòn: dễ bỏ, khó tán
Cuối tuần
Hà Nội: cả gia đình quây quần nấu nướng ăn tươi
Sài Gòn: đi ăn tiệm
Chất chơi và chất chiến
Hà nội: Xe đẹp, điện thoại nhỏ, áo bỏ trong quần nhưng hỏi tiền thì x có.
Sài gòn: 5 số 67, TaK X đời đầu, áo phông quần sóc, hỏi tiền : Chú cần nhiêu???
Chợ tình
Chợ tình Sài gòn: Anh hai có sài em hông
Chợ tình Hà nội: Chơi gái không đại ca
Xe
Hà Nội : hiếm gặp những xe đời cũ
Sài Gòn : những xe viện bảo tàng cho mượn vẫn lưu hành đầy trên đường phố
SG: chả ram , chả giò
HN: nem rán
Vá xe
Sài gòn : Vá xe lúc nửa đêm… em xin 5 ngàn thôi
Hà Nội : Muộn rồi em ơi, 50 nghìn anh vá cho
Hồ
Sài Gòn : Hồ con rùa to mà nhỏ , nhỏ mà to
HÀ nội : Các hồ đều bé dần lại
Xe khách
Sài gòn : Đi xe đò !!! 1 người 1 ghế ( số ghế đàng hoàng ) không đón thêm nếu đã đầy
Hà Nội: Anh ngối xích vào , cho người ta ngồi với !!!!!!!
Sài Gòn : Website mấy trường đại học tự làm ra
Hà Nội : Tự lấy mấy website của người ta về làm
Sài Gòn: Ra đường đầu tóc chỉnh tề
Hà Nội: Đội nón tai bèo tà rề rề dạo phố
Shopping thì Hà Nội thua đứt TPHCM rồi
HN: Mới sáng sớm ngày ra mà đã mặc cả kinh thế, đi đi không để còn đốt vía nào!
SG: Cám ơn anh. Lần sau lại ghe'’ em nha.
Tức mình chửi nhau (nhẹ nhàng, heh heh heh)
HN: Đồ dở hơi
SG: Quân mắc dịch
Hài
HN: Nặng về lời nói.
SG: Nặng về cử chỉ.
Hà-nội: Vào quán, ngôi lâu (hơn 30ph) là bị đuổi!
Sài-gòn: Vào quán, muốn ngồi bao lâu thì tùy!
Người Hà-nội: nói dài dòng nhưng khó hiểu!
Người Sài-gòn: nói ngắn gọn nhưng dễ hiểu!
Tiệm Internet
Hà-nội: ít nhưng rẻ!
Sài-gòn: nhiều mà mắc!
Nhà cửa
Sài-gòn: rộng và sâu
Hà-nội: nhỏ và ngắn
Chào hỏi
Hà-nội: bạn phải thưa bẩm rõ ràng bằng lời nói!
Sài-gòn: bạn sử dụng cử chỉ: cúi người!
Về đồ ăn
Người HN hay ăn mặn
Người SG hay ăn đồ ngọt
Phong cách sống
Người HN ra ngoài ban ngày, đêm về với u nó
Người SG ban ngày ở với vợ, ban đêm ra ngoài nhậu với bạn
Ở HN: nếu bạn gọi cái tẩy thì nó sẽ là cái tẩy
Ở SG: nếu bạn gọi cái tẩy, họ sẽ mang đến cho bạn một ly nước đá
Thuốc lá
Ở HN, rất dễ dàng gọi 1 bao VINA
Ở SG, em chỉ có Mèo thôi anh Hai
Biển quảng cáo
Ở HN, phải mang tính lịch sự, trang trọng
Ở SG, càng hài hước càng thu hút mọi người
HN có bún chả
SG có cơm tấm
Người Hà Nội gọi người yêu là anh yêu, em yêu
Người Sài Gòn gọi người yêu là ông xã, bà xã
Gọi điện về việc kinh doanh
Hà Nội: chú là con ai đấy?
SG: mang kế hoạch kinh doanh đến ta cùng bàn nhé!
Phát triển dự án
SG: Làm thế nào để tự mình tạo lãi nhanh nhỉ?
HN: Thế Trung ương cho bao nhiêu tiền?
HN: Yêu vẫn phải giữ
SG: Yêu là hết mình luôn
Giục người bán hàng gói nhanh lên
SG: Vâng em làm ngay đây
HN: Làm gì mà cuống lên thế! Muốn nhanh biến sang hàng khác!
Khi khách đến nhà
HN : Mời bác dùng cốc chè tươi ạ
SG: Tí !!! Con chạy ra quán bà Ba mua chai nước ngọt về coi
2 người bạn nói chuyện với nhau
HN: Tớ nói cho cậu nghe cái này nhé
SG: Eh tao nói cho mày nghe cái này nè
Khi ai cho mình cái gì
HN: Vâng quí hóa quá
SG: Trời ơi dữ hông
Khen đồ ăn ngon
HN: Ngon tuyệt cú mèo
SG: Ngon bá chấy bọ chét
Khen vật gì to
Hà Nội: To vật vã.
Sài Gòn: Bự bành ki
HN : bắt nạt
SG : ăn hiếp
HN : mất điện, mất nước
SG : Cúp điện, cúp nước
Con gái SG : da rám nắng, nói năng dễ thương
con gái HN : da trắng , lạnh lùng khó bắt chuyện
Người SG nói: dễ hiểu
Người HN nói: suy nghĩ trước khi hiểu
Hà nội: chị ơi cho em cái túi nylon
Sài gòn: chị ơi cho em cái bịch xốp
Nói về ngu
Hà nội: ngu hết phần chó
Sài gòn: ngu như heo.
Về hoa quả
Hà nội: quả táo,
Sài gòn: trái bom
Hà nội: quả dứa
Sài gòn:trái thơm
Hà nội: Buôn dưa lê
Sài gòn: Tám
Uống bia
Hà nôi: Chai bia được rót quay vòng cho nhiều ly
Sài gòn: Chai của ai người ấy uống
Uống rượu
Sài gòn: Rượu sẽ phải uống cùng với nước đá và vài lát chanh
Hà nội: Bắc cạn và không được …giảm sóc
Khách sạn
Sài gòn: Khi bạn dừng xe, sẽ có người mở cửa và giúp bạn bê đồ
Hà nội: Có thể bạn sẽ phải gọi rát cả cổ mà chưa thấy lễ tân đâu
Sinh viên và cave
Sài gòn: nhiều em sinh viên trông như cave
Hà nội: nhiều em cave trông như sinh viên
Có những dòng sông, chúng giống nhau đến lạ
Sông kim ngưu ở hà nội
Kênh nhiêu lộc ở Sài gòn
Sài Gòn gọi là xí muội
Hà Nội gọi là ô mai
Hà Nội: Mời cơm … ứ dám ăn
Sài Gòn: Mời cơm là … phải ăn
Hà nội : Đổi tên công viên Lê Nin thành công viên Thống Nhất
HCM : Đổi tên dinh Độc Lập thành hội trường Thống Nhất
Hà Nội : Đường Giải Phóng chạy ra QL 1.
HCM: Đường Hà Nội chạy ra QL 1.
Hà nội: Gội đầu thư giãn
Sài Gòn: Hớt tóc thanh nữ v hớt tóc máy lạnh
Thực ra vào trong đó thì như nhau
Hà Nội: nỡm ạ
Sài Gòn: quỷ sứ v đồ quỷ
Hà Nội: đèo em nhá
Sài Gòn: chở em
Sài Gòn: hun
Hà Nội: hôn
Uống Cafe
Ở Sài gòn: thường uống cafê có nhiều đá vào buổi sáng trước khi đi làm
Ở Hà nội: thường uống cafe khi đi chơi vào buổi tối trước khi ..đi ngủ
Nếu bạn gọi một ly nâu
Ở Sài gòn: bạn sẽ được chủ quán mang cho một ly cà phê đen
Ở Hà nội: bạn sẽ được 1 ly cà phê có thêm sữa
Nếu bạn muốn uống cà phê sữa
ở Sài gòn: cho xin 1 ly bạc sửu
Ở Hà nội: nếu bạn gọi 1 ly bạc sửu bạn sẽ nhận được câu trả lời - không có, hoặc bạn bị coi là…hâm.

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Hình ảnh Cầu Thủ KT 26

Nhân dịp thấy ảnh đá bóng của ông Hà tôi tìm lại mấy hình ảnh hồi KT 26 còn thi đấu đỉnh cao

HẢI PHÒNG XƯA (PHẦN 2)

Bản đồ thành phố Hải Phòng năm 1920:



Phố bên sông Tam Bạc:





Cảng Hải Phòng:



Cầu Quay:



Cầu Hạ Lý (thời Pháp thuộc):



Cầu Hạ Lý (thời chống Mỹ):



Bưu Điện thành phố-1 trong những công trình hiếm hoi còn khá nguyên vẹn đến ngày nay:



Nhà Hát Lớn-có hàng rào bằng cây xanh :



Trường cấp 3 Ngô Quyền:

















Bến Sáu kho-tiền thân của Cảng Hải Phòng:



Phố Cầu Đất đây các bác ơi:






Sông Lấp-đoạn chảy qua Nhà Hát Lớn:





Khách sạn Thương Mại (1909-2009,bây giờ là bãi để xe ô tô cạch Khách sạn Hữu Nghị):



Đồng hồ ba chuông (ngã tư Minh Khai- Điện Biên Phủ ngày nay):



Khu phố Tàu (bây giờ là đường Lý Thường Kiệt):



Chùa Hàng:





Cát Bà:



Đồ Sơn:



Nhà hát Nhân Dân (bây giờ là nhà văn hóa Thanh Niên



Nhà máy xi măng cũ:



Trường đua ngựa (không biết có phải Hồ Quần Ngựa bây giờ không?):



Cảng Hải Phòng xưa đây:



Đài thiên văn Phú Liễn-Kiến An:



Vườn hoa Nguyễn Du:



Đường Hoàng Văn Thụ:



"Thánh địa" Lạch Tray:



Ga Hải Phòng:

Hải Phòng qua những bức ảnh xưa

Hải phòng xưa… mang dáng dấp của một khu đô thị cổ, buôn bán sầm uất… nhưng cũng rất nguy nga tráng lệ…
HP xua
Chắc hẳn bất kỳ ai trong chúng ta, những người đã từng đặt chân đến thành phố cảng cũng nhận ra Quảng Trường Nhà Hát thành phố được xây dựng từ cách đây đã lâu. Dù không nổi tiếng và lớn như nhà hát lớn Hà Nội nhưng đối với con người Hải Phòng, nhà hát này đã gắn liền với thành phố như một phần tất yếu của cuộc sống…
hp 2
Phố Hoàng Văn Thụ xưa…
Phố nằm bên phải nhà Hát lớn. Trước đây mọi người từ ngoài thành phố vào phải đi ngang qua Ngân Hàng rồi lên phố này mới đến được trung tâm Thành Phố. Nhà máy nước với những tiếng còi báo quen thuộc lúc 12h nằm sau Nhà Hát Lớn cũng nối ra đây. Ngày nay, phố nổi tiếng với “Chợ” quần áo kéo dài từ đầu đến cuối phố…
HP xua 3
Lên trên Hoàng Văn Thụ chính là đầu phố Cầu Đất, nơi đây là trục đường chính của thành phố, dẫn ra biển và các nơi khác. Tên gọi Cầu Đất xuất phát từ nguồn gốc ngày xưa khi nơi này có một chiếc cầu bằng đất.
HP 4
Đây luôn là hình ảnh thân quen của những người con Hải Phòng xa quê hương: Nhà Hát Nhân Dân và Sân Vận Động Lạch tray. Trước đây nhà hát được xây dựng từ thời Pháp và có kiến trúc cổ rất riêng của mình. Sân vận động Lạch Tray được xây dựng gần đó, là nơi thi đấu của những môn thể toàn Đông Dương. Ngày nay, nó đã đã được sữa chữa, trùng tu rất nhiều, mang lại bộ mặt mới cho thành phố Hải Phòng, đẹp hơn và hoành tráng hơn… Nếu Hà Nội có phố Thanh Niên hàng tối đông đúc thì nơi đây cũng là hình ảnh đẹp của Hải Phòng mà bất kỳ người con Hải Phòng xa quê nào cũng luôn nhớ về.
HP 5
Dọc Lạch Tray, muốn qua Đồ Sơn ta sẽ đi qua Cầu Rào, chắc hẳn mọi người sẽ bất ngờ khi trước đây cầu đơn sơ đến mức lạ kì thế này…
HP 6
Phố Ba Tơ, nay là Lý Thường Kiệt. Thời gian trôi qua đã bào mòn những nét kiến trúc cổ nơi đây nhưng hình ảnh về nét đẹp phố cổ sẽ sống mãi trong kí ức của người dân Hải Phòng.
HP 7
Mọi người còn gọi nơi này là phố người Hoa và đến tận bây giờ những nét văn hoá cổ vẫn còn tồn tại nơi đây. Ngõ nhỏ phố nhỏ – con đường cũng nhỏ…
HP 8
Ngã tư cột đèn xưa, yên bình quá, khác nhiều so với bây giờ.
Hp 9
Tiếp đây là ngã tư An Dương – Chợ An Dương, một đầu mối giao thông quan trọng ở thành phố Hải Phòng.
Dường như dấu ấn thời gian đã làm cho 1 nơi yên bình thế này thành 1 nơi đông đúc náo nhiệt nhất thì thành phố ngày nay…
HP xua 2
(Theo netdepviet)

HẢI PHÒNG TỪ MỌI GÓC NHÌN