Danh sách Blog của Tôi

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

BẠN TÔI TÌM BỐ

Viết nhân ngày 27/7

Ngày đó Kt26 có tổng cộng 22 bạn nữ, đa số là người Hải Phòng, chỉ có 3 bạn là người tỉnh khác. Bạn là một trong số đó.

Bạn có khuôn mặt trong sáng và hiền lành, ít nói. Tôi còn nhớ ngày đó Bạn học rất chăm chỉ và nghiêm túc. ..
Năm thứ nhất và thứ hai chúng tôi học tại Phương Lưu (Khu B). Sang năm thứ 3 thì chuyển từ khu B sang khu A ( Cát Bi) ngay sát với làng tôi. Một hôm Bạn nói với tôi: Bố tớ ngày xưa công tác ở đây. Tên Anh trai tớ đặt theo tên làng cậu.  Thật ngạc nhiên và thú vị. ( Anh của Bạn tên Trung, tên làng tôi là Trung Hành ).
Về nhà nói chuyện thì Bu tôi bảo :
Đúng rồi.  Ông ấy ngày trước làm cán bộ thuế ở đây.
Thế ra con Ông ấy học với mày à?
Vâng.
Ông ấy là người liêm khiết.
(bạn mình chắc hẳn là giống bố, tôi nghĩ.)
Sau Ông ấy đi bộ đội.
Nghe đâu hy sinh rồi.
Câu chuyện thỉnh thoảng bị ngắt vì Bu dừng lại nhai trầu.
 …
Những năm học tập vất vả rồi cũng kết thúc. Bạn tôi lên xe hoa. Chú rể là một thầy giáo trong khoa, một người nghiêm khắc và đứng đắn.

Sau đó tôi nghe nói Bạn cùng chồng vào SG làm công tác giảng dạy.

Rồi tôi cũng vào SG.
Một lần gặp, Bạn nói: gia đình tớ muốn tìm hài cốt, và đưa Bố về quê…

Mấy lần về nhà tôi lân la hỏi thăm giùm bạn.
Một Bà chị họ của tôi nói:
Mày hỏi đúng chỗ rồi!  Anh Thổ nói với tao là chính tay anh ấy chôn cất cho Bố của bạn mày.
Tôi mừng húm, xin số điện thoại của Anh Thổ, một ông anh họ xa.
Tôi alô cho ông anh:
Không. Tao chỉ gặp thôi, Ông ấy ở khác đơn vị với tao.
Thất vọng !  Đúng là tam sao thất bản . Hay là ông anh phét lác???

Tôi chuyển địa chỉ và số điện thoại của ông anh cho Bạn hy vọng có thể hỏi ra manh mối nào đó.
Sau đó vì bận rộn công việc tôi không liên lạc với Bạn. 
Bạn cùng gia đình đã tìm thấy Bố chưa?!
Tôi nhớ ai đó nói rằng: mỗi con người đang sống là một tổng hòa các mối quan hệ. Trong đó có cả mối quan hệ với những người đã khuất.

TPHCM 27/7/2011 - KT

Theo một tài liệu chính thức được công bố :

Chiến tranh đã qua đi 36 năm nhưng vẫn còn đó 318.953 mộ liệt sĩ khuyết danh hoặc chưa đủ thông tin và 237.297 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Tức là hiện có 556.250 liệt sĩ chưa được an nghỉ. 







ĐÊM & NGÀY ( T/g: Chuti)

(Hưởng ứng viết về ngày thương binh liệt sỹ 27/7)

Làng Gia độ nằm dọc bờ con sông Thạch Hãn lịch sử. Nơi có ngọn gió Lào nghe kể đã cảm thấy nám da. Những ngày hè tháng sáu, tháng bảy, gió Lào thổi mạnh bật cả gốc cây. Khắc nghiệt và ầm ù là vậy, nhưng cũng chẳng tài nào thổi bay được ký ức nặng nề của người dân vùng quê một thời chiến tranh khốc liệt được ngợi ca là đất thép này. Nghe kể lại, trận chiến Thành cổ năm nào, mỗi mét vuông đất đều nóng hổi máu đồng loại. Dòng Thạch Hãn có những lần nghẹn dòng bởi lớp lớp những xác người, cả bên ta và bên địch.
Gió Lào càng về gần sáng càng thổi mạnh. Nhưng lạ thật, cứ khi ban mai ửng hồng, y như là các cơn gió Lào lặng tắt, nhường lại làng quê một không khí  lặng như tờ,  ngột ngạt và oi bức. Nó nằm im, cảm nhận sự khác biệt ngày và đêm của vùng đất thép. Nghe kể lại rằng, thời kỳ chiến tranh, vùng đất này, ban ngày là của địch, đêm về là cuộc sống của ta. Nó chợt nghĩ, có chăng, trước cuộc chiến khốc liệt ngày nào, chứng kiến bao sương máu đổ xuống. Thiên nhiên và đất trời dường như cũng nặng lòng để tạo nên một vùng đất danh giới khác biệt ngày và đêm, để lưu giữ mãi ký ức người làng quê Nó với quá khứ, với lịch sử bi hùng của vùng đất thép.

Sông Thạch Hãn
Gió Lào quấn quít vào những tán cây bạch đàn đứng sừng sững dọc bờ sông. Trong đêm khuya thanh vắng, những tiếng xào xạc lúc to, lúc nhỏ làm Nó liên tưởng tới những tiếng thì thầm báo hiệu trong đêm. Lúc chiều tối, Nó được nghe nhiều câu chuyện về đêm kháng chiến ở vùng đất này. Nó nghe thấy tiếng chó sủa nhà bên, có tiếng thì thầm mừng mừng, lo lo... Bên ấy dường như có người bí mật về làng!? Tiếng chó líu ríu mừng vui rồi nhanh chóng cất giọng vào đêm vắng. Cuộc sống bí mật giữa cái sống và chết đã tôi luyện cho người dân làng ven sông Thạch Hãn thanh thản và trầm lặng giữa đêm khuya. Đến con chó cũng biết giấu tiếng kêu vui mừng bảo vệ chủ.
Các cơn gió Lào nối nhau mạnh dần. Nó đang miên man tìm kiếm cảm giác bình yên của làng quê lúc canh đêm về sáng trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê. Tiếng rít của các tán lá bạch đàn mạnh lên trước gió. Nhiều bóng cây đổ rạp xuống, chụm vào nhau như dáng các Mệ cúi bóng lưng còng thầm thì trong bão gió. Lúc này, gió càng thổi mạnh,tiếng sợi dây thép miết liên tục vào cái cổng tre não nề cọt kẹt nghe rợn tai. Tiếng kẽo kẹt phát ra từ bụi tre sơ xác trước cổng như những oan hồn ngày xưa quay về tụ họp. Thi thoảng hiếm hoi là ánh sáng nhỏ phản chiếu từ mặt nước sông xuyên qua khe hở giữa tán lá tre làm nó giật mình liên tưởng tới những ánh mắt trong đêm lạ lùng nhìn nó. Nó co người lại, tóc gáy của nó dựng lên, một luồng khí lạnh khẽ khàng chạy khắp cơ thể Nó, từ lòng bàn chân, lên đầu gối, hai tay, khắp người… Kết hợp với cái lạnh thoảng bên ngoài của ngọn gió Lào đêm gần sáng làm cho Nó như cóng người lại. Buổi chiều tối Nó còn nghe nói, xung quay đây nhiều oan hồn lắm, cả ta, cả địch… Ngày trước, trên mảnh đất này, đêm đêm là nơi hội họp đoàn thể của Ba Nó và các đồng đội. Nhiều lần bị phục kích, súng nổ, rất nhiều người đã ngã xuống nơi đây…. Nó nằm im, lấm lét nhìn vào bóng đêm sâu hút…
Gió càng mạnh hơn…Oàng… Oàng… Oàng…Xoẹt…. Xoẹt. Tiếng chó “gâu” “gâu” trong làng nối nhau sủa vang hưởng ứng làm cho cả làng thức giấc như trước một trận càn đêm vậy. Nó  miên man như đang đứng gác trước cuộc họp kín của Ba Nó. Nghe tiếng súng bất ngờ nổ, Nó giật mình, nhảy vào trong nhà… Tim Nó đập loạn xạ, mọi người choàng tỉnh. Thằng cháu giật mình, nhanh như cắt, phản xạ tự nhiên ôm gối lao theo Nó. Trong nhà, chị Nó đang thắp nén hương trên bàn thờ, quay lại chấn an hai chú cháu: “ Gió to quá, làm bay cả mấy tấm tôn dựng rạp, sáng sớm mai phải bảo thợ xuống sửa lại kẻo không kịp làm lễ..”. Nó cười thầm một mình nhưng tim vẫn đập rộn trong tiếng ọc ạch của mấy miếng tôn còn lại trên rạp. Nó theo chân chị đi thắp lên tất cả các bát hương trên bàn thờ vừa được xây dựng trên mảnh đất của ông bà nó để lại.
Ba và chú Nó theo Cách mạng những năm chống pháp. Góp công giành chính quyền cho nhân dân, cho dân làng Gia Độ của Nó. Những ngày khách chiến chống Mỹ, làng Gia Độ trở thành một trận địa. Ngày là của địch, đêm là cuộc sống của ta. Biết bao máu xương đổ xuống, bao gia đình phải chia ly. Đã có thời, nhiều gia đình trong làng rơi vào hoàn cảnh trớ trêu: “mâm cơm chia đôi”. Đau xót, anh em trong nhà ở hai đầu chiến tuyến. Cũng đúng thôi, cái vùng đất giáp gianh giữa hai chiến tuyến có một không hai này. Nhà có người thoát ly theo Cách mạng. Thì phía bên kia, nhanh chóng tâm lý chiến đến bắt người còn lại phục vụ chế độ Cộng Hòa. Rất nhiều bà mẹ tóc bạc thêm, đau khổ ngày đón con Cộng hòa, đêm chờ con kháng chiến. Mỗi khi có tiếng súng đêm, những trận càn, lòng các mẹ lại như đôi phần dao cắt…
Cả Ba và chú Nó may mắn đều theo kháng chiến và thoát ly sớm.  Nhà chỉ còn ông bà nội. Đó là những tháng ngày cơ cực nhất của ông bà trước sự tra hỏi và đòn tâm lý chiến của địch. Nhà cửa bị đốt phá hết. Ông bà được họ hàng, làng xóm cưu mang. Năm 1969 bà nội nó mất, năm 1975, giải phóng, ông nội Nó ra Bắc. Qua bao năm tháng, mấy cái cột nhà cháy thui trên mảnh đất của ông bà vẫn trơ chọi với gió Lào và tha thiết với hương vị ngòn ngọt của nước sông Thạch Hãn…
Chứng kiến bao biến cố lịch sử, qua bao cuộc chia đất chia ruộng tại cái vùng quê nghèo miền Trung này. Giữa thời buổi đất chật, người đông và giá cả leo thang như hiện tại.Mảnh đất ấy gần 40 năm nay vẫn khiêm tốn đứng ngoài cuộc sống thị trường bon chen ấy. Làng quê vẫn chở che và ghi nhận mảnh đất ấy gắn với những hồi ức kháng chiến và giải phóng quê hương. Bà con lối xóm vẫn trân trọng và hân hoan chúc mừng ngày trở về làng của anh chị em Nó…
… Thắp hương bàn thờ xong, Nó bước ra sân, vươn vai hít một hơi thật sâu. Một luồng khí mát trong trẻo hương gió Lào buổi sớm pha lẫn vị ngòn ngọt của hơi nước sông Thạch Hãn và chút ngai ngái của lá cây bạch đàn… Hương vị quê hương làm Nó tỉnh táo và hoạt bát hơn sau một đêm trắng với bao miên man lần đầu trọn vẹn nằm giữa mảnh đất truyền đời của ông bà. Đã sắp đến giờ làm lễ. Bà con đã lấp ló ngoài cổng. Một ngày mới ở làng của Nó bắt đầu….

HCM- Ngày 26/7/2011 , CHUTI

CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI LÍNH ( T/g: Thùy Dương)

Nhân tháng đền ơn đáp nghĩa, xin chia sẻ với các bạn câu chuyện nhỏ này.
---------------- 
Chiếc xe rời khỏi thành phố, lao nhanh về hướng biên giới Cambodia theo quốc lộ 22. Nắng chói chang trải dài trên vùng quê yên ả. Những cánh đồng xanh rờn dịp lúa mạ non và những cánh rừng cao su xanh mướt trôi vụt qua. Đường nhựa phẳng lỳ lộ ra khoảng đất đỏ bazan hai bên vệ đường. Thị xã Tây Ninh hiện ra trước  mắt thật hiền hoà, người đi lại thưa thớt, tuy nhiên, chiếc xe vẫn tiếp tục đi qua thị xã để tới một nơi vùng ven gần biên giới. Trên xe, mọi người nói chuyện rôm rả, những câu chuyện đưa mọi người trở lại quá khứ hơn ba mươi năm về trước, về một người lính rất trẻ...

Khi anh đang học cuối cấp 3, do bà vợ trước của bố anh giàu có mà không có con trai, mẹ anh lại sinh liền 3 trai nên bà xin anh làm con nuôi.
Hẳn là bố mẹ anh đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định cho anh nhận bà làm mẹ nuôi.
Ngay trong chiến tranh, khi bao nhiêu người còn không có đủ cơm mà ăn, thì người mẹ nuôi của anh đã là một thương gia nhanh nhẹn tháo vát với cửa hàng bán giày dép, vải vóc tại chợ Sắt & cũng là một tay buôn bất động sản khá có tiếng của thành phố Hải Phòng. Đó là một người đàn bà cao dong dỏng với đôi mắt sắc lẹm. Thời trẻ bà khá đẹp, giỏi làm ăn nhưng đường hôn nhân lại lận đận. Bà có con với cả ba đời chồng (mà bố anh là người chồng đầu tiên của bà) nhưng không có nổi một mụn con trai. Mặc dù giàu như vậy nhưng bà là người sống tiết kiệm, chi li. Đặc biệt là không có ông chồng nào sống với bà.
Trong 3 anh em trai, anh là giữa và là người ít nói, hiền lành & tốt bụng. Khuôn mặt vuông chữ điền với đôi tai to, đôi mắt trong veo với ánh nhìn thông minh, trung thực, hứa hẹn một trang nam nhi tuấn tú, đẹp đẽ sau này. Chắc bà mẹ nuôi với con mắt sắc sảo của mình đã nhìn thấy nhiều phẩm chất tốt để chấm anh.
Mẹ không đồng ý cho anh đi, mẹ nào mà đồng ý được! Mẹ nói: ”Tôi dù có chết đói cũng không để nó đi! Cứ để nó đấy, mẹ con rau cháo nuôi nhau!”. Bố anh nhìn xa hơn, bố bảo:
-          Cho con nó sang đấy, bà ấy giàu, lại không có con trai, sau này nó sẽ được thừa kế ít tài sản.
-          Tôi không cần tiền của bà ấy! Mẹ anh nói kiên quyết.
Bố anh tìm cách khác thuyết phục mẹ. Bố nói:
-          Anh thấy bà ta cũng tội nghiệp, mang tiếng mấy đời chồng mà rồi không có ông nào ở bên. Cho nó sang đấy đỡ đần cũng là chỗ dựa cho bà ấy sau này. Mà em có mất con đâu, nó vẫn là con em mà”
Chắc bố anh cũng thương người đàn bà một thời là của mình.
Mẹ anh nghe vậy cũng mủi lòng. Bà giao hẹn: “Nó đang ôn thi đại học, nên bà phải hứa với tôi là không bắt nó làm gì, chỉ để nó học. Nếu bà không đối xử tử tế với nó, tôi sẽ đòi lại con tôi!”. Chắc mẹ anh đã buồn lòng lắm khi tự tưởng tượng ra cảnh con trai mình, phải làm mọi việc lớn bé trong ngôi nhà không phải nhà mình, ăn uống kham khổ dè sẻn theo thói quen tiết kiệm của gia đình ấy.
Thế là anh sang ở với bà và gọi bà là mợ. Ngay lập tức mợ mua cho anh cái xe dạp và một số quần áo. Thời gian đầu, cứ mỗi buổi chiều, mẹ lại đến chỗ anh để xem anh ăn ở, sinh hoạt thế nào. Mẹ nhìn anh ngồi học bài một lúc, đảm bảo rằng con mình được yên ổn học, mẹ mới ra về. Một lần mẹ đùng đùng lôi anh về nhà, mặt đỏ lên đầy tức giận. Mẹ nói rất to với bố:”Tôi không cho nó sang đấy nữa. Lúc nãy tôi qua thấy nó đang ngồi giặt cả đống chiếu! Thôi ở nhà, không có đi đâu cả” vừa nói mẹ vừa ôm chặt lấy anh. Dạo đó anh lại đang vào tuổi lớn, chiếc quần anh mặc luôn ngắn cũn mà không bao giờ anh đòi hỏi gì. Mẹ nhìn thấy thế lại sót ruột thương anh và không quên lên án bà mẹ nuôi.
Thấm thoắt đã nửa năm anh ở với gia đình mới, chăm chỉ học hành & giúp đỡ mợ công việc buôn bán. Anh đã hoàn toàn chiếm được lòng tin của bà vì  tính trung thực, thật thà của mình. Bà đã cho anh cầm chìa khoá két tiền chứ không phải là mấy người con gái bà. Anh còn được thay bà bán hàng & đi đòi nợ tiền. Phải nói rằng anh đã trở thành cánh tay phải đắc lực của mợ anh.
Cuộc sống cũng dần ổn định, mẹ anh cũng đã quen với việc xa con trai mình…
Rồi anh thi đỗ Đại học Hàng Hải khoa lái ngay lần đầu thử sức. Hai mẹ của anh đều sung sướng tự hào về con mình. Họ mường tượng cảnh mai này, vị thuyền trưởng tương lai vượt đại dương đi khắp thế giới và báo đáp công sinh dưỡng của họ, là chỗ dựa cho họ lúc tuổi già. Ngày đó Đại học Hàng Hải là niềm mơ ước của bao gia đình, là một đảm bảo chắc chắn cho sự thành đạt.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang...
Đó là năm 1978, chiến tranh biên giới phía Tây Nam trở lên ác liệt, lệnh tổng động viên toàn quốc đã lôi bao nhiêu thanh niên trai tráng vào quân đội. Hẳn gia đình nào có con trai sinh vào những năm 1958, 1960 thì hầu hết đều phải đăng lính. Nhà anh khi đó chưa có ai đi bộ đội, vì vậy bắt buộc phải có một người đi. Người ta cho phép được chọn hoặc anh, hoặc em trai kế (kém anh 3 tuổi) của anh đi. Anh đã xung phong đi thay em vì nghĩ em mình còn bé, cần ở nhà học cho xong phổ thông. Trước khi lên đường, anh dặn dò mẹ cất kỹ sách vở cho ngày trở lại giảng đường.
Vậy là anh lên đường tòng quân. Sau mấy tháng mẹ nuôi anh đã xui anh đào ngũ, và bà có thừa tiền để chạy vạy cho anh thoát lính. Nhưng hình như điều đó quá sức anh, hơn nữa ai cũng nghĩ, hoà bình đã lập lại, chiến tranh thật sự khốc liệt đã qua rồi. Mọi người nghĩ đơn giản rằng anh sẽ đi 2 năm rồi lại về học tiếp Đại học.
Ngày tiễn anh lên đường, ngoài hai người mẹ của anh, còn thấy bóng dáng cô bạn thân nhất, người con gái học cùng lớp. Cuộc chia tay càng thêm bịn rịn với cả nước mắt & nụ cười. Hình ảnh cô gái đó đã in đậm trong trái tim với những rung động đầu đời của anh, theo anh trên những chặng đường hành quân.
Qua mấy tháng huấn luyện tân binh, anh lên đường vào Nam và bị điều ra điểm nóng, biên giới Cambodia. Khoảng cách địa lý quá xa xôi, nên chỉ có những cánh thư đi về, động viên người ở lại và tiếp thêm sức lực cho chàng lính mới. Anh nói, như một người lính chân chính: “Con không đi biên giới thì còn ai đi nữa?”
Cảnh nồi da nấu thịt tưởng đã kết thúc, lại tái diễn tại vùng biên giới. Bao nhiêu người con trai với tuổi thanh xuân phơi phới, những tân binh ngơ ngác chưa có kinh  nghiệm trận mạc, nay bị đưa ra chiến trường, đối mặt với hiểm nguy &cả cái chết.
Tại chiến trường, do là sinh viên đại học nên anh được phục vụ trong đại đội thông tin & không trực tiếp chiến đấu. Nhưng liệu có phải là số phận cay nghiệt đã sắp đặt? Tám tháng sau, vào một buổi trưa, anh cùng đồng đội ăn trưa dưới hầm. Anh ăn xong trước nên ra bàn nước ngoài cửa hầm uống nước. Một quả pháo bắn lạc đã rơi đúng nơi anh đứng. Linh hồn trong trắng của anh đã bay về thiên đường…bỏ lại 19 năm 1 tháng 21 ngày trên dương thế.
Giấy báo tử đến với mẹ anh vào một ngày đầu đông năm 1980. Tin dữ đến, Mẹ tưởng có thể chết đi được. Bốn ngày liền mẹ không ăn không ngủ. Mẹ ở lỳ trong bệnh viện, làm việc như điên như dại. Mẹ không thể ngừng lại, vì ngừng lại là mẹ lại nhớ đến điều khủng khiếp đó. Nhớ đến khoảng trống trống hoác, tối đen trong lòng. Mẹ không thể tin lấy một giây rằng đó là sự thật. Mẹ chưa nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt, mẹ còn hy vọng người ta đã nhầm. Con trai của mẹ không thể bỏ mẹ đi như vậy! Nhưng rồi mẹ vẫn phải nghiến răng gượng dậy, vượt qua mất mát vì gia đình, vì những đứa con còn lại của mẹ…
Bà mẹ nuôi anh dù chỉ sống với anh gần một năm, nhưng anh đã thực sự trở nên quan trọng với bà, là niềm vui của bà. Bao hy vọng cho tương lai thế là tan thành mây khói. Bà chỉ biết ngửa mặt than Trời: “Sao số tôi nó khổ, không người đàn ông nào sống lâu được với tôi!!!”


Nơi Anh yên nghỉ
Xe đến nơi vào quá trưa, ánh nắng càng lúc càng chói gắt, hun nóng con đường trải nhựa thẳng tắp, không gian yên ắng, chỉ có mấy bóng người thấp thoáng phía xa. Nghĩa trang liệt sĩ Tây Ninh nơi anh ở cùng với hơn 4000 đồng đội của mình được qui hoạch như một công viên hình bông hoa năm cánh thoáng rộng với nhiều cây xanh & bồn hoa. Nắng phủ trắng trên những ngọn cây thông đang đứng im phăng phắc, những bồn hoa cúc, hoa dâm bụt chạy quanh các khu mộ. Lũ chuồn chuồn bay lượn lờ chỉ càng làm cho khung cảnh thêm tĩnh mịch cô liêu. Ngôi mộ của anh giống như hàng nghìn ngôi khác, nằm trong khu mộ lính. Nơi đây, ngoài các chiến sỹ hy sinh tại biên giới Tây Nam còn có các chiến sĩ hy sinh trong chiến tranh chống Pháp & Mỹ. Các anh đều là cư dân nơi này ít nhất từ trên ba mươi năm rồi. Có rất nhiều ngôi mộ vô danh và cả những ngôi mộ có tên nhưng không người chăm sóc. Trông chúng thật điêu tàn dưới ánh sáng ban ngày. Người lính nào đang nằm dưới đó? Hồn cốt họ có được siêu thoát hay cứ bay vật vờ trên dương thế? Những người lính đã ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ ấy, những người con yêu của mẹ ấy...
Bên mộ anh, mẹ khấn thầm: “Con ơi mẹ lại đến đây với con đây, có cả anh con, em gái con và các cháu nữa. Cầu mong linh hồn con bình yên & phù hộ độ trì cho mọi người nhé!”
Thằng cháu anh năm nay ở độ tuổi của bác lúc bác đi. Nó cứ tha thẩn quanh các ngôi mộ, trông vẻ mặt thật đăm chiêu. Nó càng đăm chiêu hơn khi nghe mẹ nó nói: “Đa phần các bác nằm đây có tuổi đời như con bây giờ, và có lẽ nhiều bác còn chưa từng biết hôn người con gái nào, như bác của con”. Nó lặng lẽ cầm nắm hương đi thắp cho tất cả các ngôi mộ xung quanh. Chắc trong tâm hồn nó đang rất xao động. Hơn ba mươi  năm trước, ở cái buổi trưa định mệnh đó, chắc bầu trời cũng xanh cao thế, nắng cũng rực vàng thế…
Mẹ quyết định không đưa anh về Hải Phòng, mẹ bảo “Để anh ở đây cho có đồng đội”. Mẹ muốn anh được sống giữa không gian yên bình cùng đồng đội anh.
Mỗi lần về thăm mẹ, tôi lại lên gian thờ chào bố và anh. Trong phảng phất khói hương trầm thơm ngát, người thanh niên trong ảnh nhìn thẳng vào tôi với ánh mắt trong veo, nghiêm nghị. Hình như anh đang muốn nói với tôi điều gì?
Lại một ngày 27/07 nữa sắp đến rồi. Mẹ anh như mọi  năm nhận được một phần quà từ chính quyền. Thằng cháu được bà ngoại tặng lại cái màn tuyn của bác. Nó có cảm thấy bác gần bên nó, hàng đêm bao bọc giấc ngủ của đứa cháu trai? Lũ trẻ của chúng ta sinh ra & lớn lên trong hoà bình, không biết đến cảnh chiến tranh, chết chóc man rợ, chúng thật hạnh phúc! Nhưng liệu Trái đất sẽ không bao giờ còn cảnh chiến tranh điên cuồng? Thật khó để trả lời…

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

CHÚC MỪNG CÁC CHÁU ĐỖ ĐẠI HỌC


Tập Thể KT-26 Chúc Mừng:
- Cháu Phạm Bá Thắng con Ba Chiến và Mẹ Hương đỗ Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn TPHCM  Khoa Tiếng Anh.
- Cháu Hải Hà con Mẹ Thủy đỗ Đại Học Ngoại Thương Hà Nội.
- Cháu Hải Hà con Mẹ Hải Bình đỗ Đại Học Ngoại Thương và Đại Học Giao Thông Vận Tải TPHCM.
- Cháu Quí con Mẹ Lộc du học Mỹ.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

CHÚC MỪNG SINH NHẬT BÍCH HỒNG 26/7

HỒNG THÂN MẾN!
TẬP THỂ KT-26 CHÚC HỒNG LUÔN TƯƠI TRẺ, MAY MẮN VÀ THÀNH ĐẠT.
Một món quà từ Chu Xuân Bảo

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

CHÚC MỪNG CON GÁI PHƯƠNG THẢO CỦA MẸ NHUNG

Bạn Nhung và cháu Phương Thảo thân mến.
Tập thể Kt-26 xin chúc mừng cháu Nguyễn Phương Thảo đã thi đỗ vào Đại Học Hàng Hải, khoa Kinh tế vận tải.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

NGA MY ( T/g: Xuân Phú)

Các bạn thân mến
Tuần qua chúng ta đã được đọc những trang ký ức rất đẹp và đầy cảm xúc. Bây giờ chúng ta hãy đi du lịch Trung Quốc cùng Bạn Phú một chút.
Chúc cả nhà cuối tuần zui zẻ!!!
-----------------
 
           Một trong tứ đại kỳ thư của văn học cổ Trung Hoa là tác phẩm Tây du ký - tg Ngô Thừa Ân , kể lại câu truyện về hành trình của thầy trò Đường tăng sang Tây chúc thỉnh kinh. Trong cả quãng đường gian nguy đó, Tôn Ngộ không và các đàn em của mình gặp 81 kiếp nạn.Một trong số này là sự " quan liêu " của Phổ Hiền Bồ tát - Tam mạn đà bạt đà La. Vị Bồ tát trong lúc bất cẩn  thả con voi trắng Sáu ngà của mình quấy nhiễu đoàn thỉnh kinh.

Nga My Sơn
Đoạn khởi đầu bài viết này hơi lằng nhằng như thế chỉ vì trên đường từ Tây tạng về lại đồng bằng , đoàn chúng tôi ghé thăm Nga My sơn , thánh địa phật giáo đại Thừa Trung quốc, là đạo tràng của ngài Phổ Hiền .


Như bài viết Tây tạng đã đề cập, Phật giáo đại thừa truyền vào Trung thổ kết hợp với văn hoá bản địa rẽ nhánh, khơi dòng tạo ra rất nhiều chi phái khác nhau. Trải qua hàng ngàn năm thăng trầm biến ảo , còn lại đến ngày nay là Tịnh độ, Hoa nghiêm, thiên thai, thiền tông ... Nhưng hơn thế nữa tứ đại danh sơn phật giáo gồm Ngũ Đài, Nga my, Cửu Hoa, Phổ đà làm nao lòng biết bao tín đồ phật tu khắp năm châu , làm lay động tâm hồn những kẻ trót yêu văn hoá Trung Hoa, trót sa chân vào đường thi, tống từ , nhạc phủ. Dẫu biết rằng nó là "vớ vẩn" với thực tế đời thường , đôi khi như đà điểu rúc đầu xuống cát né tránh thực tại, tự sướng bản thân . Nhưng biết làm sao !!!.

Chiều muộn, chúng tôi tới chân núi Nga my, làm thủ tục check in khánh sạn sau khi tham quan Lạc sơn Đại phật. Bạn nào quan tâm có thể tra google về địa danh này, rất thú vi.

Bóng chiều bảng lảng,  công hót véo von, không gian u mặc, dưới bóng tịch dương nhìn xa dãy Nga my ẩn hiện trong mây mù như tên gọi , gợi cho du khách một sự phấn khích mơ hồ. Tự nhủ, tối nay nghỉ sớm cho ngày mai thăm viếng. Nhưng dư âm Tây tạng chưa tan, thế  tục vẫn chen vào , chúng tôi ngồi chuyện vãn tới hai giờ sáng .
Bảy giờ, xe khởi hành từ chân núi, chặng đường vòng vèo hơn 50km lên Kim đỉnh. Quả thật , không hổ danh là di sản văn hoá thế giới, núi cao, vực sâu, rừng Tùng xanh mướt. Các tay máy tranh thủ bấm, tiếng xuýt xoa, trầm trồ đâu đó trong xe vì phong cảnh quá đẹp. Ngày xưa khi còn nhỏ nhìn tranh thuỷ mặc của tàu có ấn tượng thế nào thì giờ đây cảnh trước mắt còn cảm khái gấp bội lần,

Từng hẻm núi bất ngờ hiện ra, muôn hồng, nghìn tía lung Linh trong không khí se lạnh ( khoảng 15o ) . Mùi đồ nướng tại chỗ dừng chân bên đường , chân cáp treo gợi nhớ tới Sapa  quê nhà. Du Khách từng người chầm chậm leo bậc thang lên đỉnh. Thỉnh thoảng bắt gặp vài tín đồ tây tạng, tân cương, thập Bộ nhất bái  , Tam Bộ nhất Bái , miệng rì rầm tung kinh.

Lên đỉnh !!!

Sương mù dày đặc, không nhìn rõ ai, mây vờn dưới chân, chui vào cổ áo bật pin điện thoại soi đường. Cả một toà Phật đàii mô tả pháp thân của ngài Phổ Hiền trên lưng bốn con voi quay ra tứ phia . Rất vĩ đại, hoành tráng quy mô. Công nghệ du lịch của Trung quốc phải nói quá chuyên nghiệp. Tính toán mọi nhẽ. Ngay tại Nga my sơn, trong màn sương mờ ảo, bên cạnh chùa vàng, chùa bạc , chùa đồng. Lục tự chân ngôn, ám mê ni bát Mễ hông thong thả Ngân lên làm du ngủ Khách hành Hương khắp chốn. Tự nhiên cảm khái suy nghĩ vẩn vơ. Nói với nhau điều tốt, nghĩ về nhau tốt, làm việc tốt cho nhau còn khó hơn nhiều. Giả sử cả ba điều đó chúng ta cùng thực hiện được cho tha nhân , như đại trí của Văn thù, đại hạnh của Phổ Hiền cùng kết hợp thì thế giới này đâu cần Như Lai !


Tan sương, ghé vào quán ven núi ăn trưa, trời vẩn lạnh, nhìn qua cửa sổ xuống dốc núi xa, Tùng Bách ẩn hiện, lối đi lát đá , quạnh quẽ u tịch. Một phong cảnh khác như trong phim về miền cao nguyên châu Âu. Ba Anh em kêu một chai vang của Nga my. Quay vòng hết rất nhanh.Hướng dẫn viên giục xuống núi vẫn còn nấn ná không muốn dời chân. Can trúc tử ( một dạng thuê võng người như Yên tử - Nôm na là kiệu Tre ) ý ới chào mời. Định bắt chước nhân vật trong Bạch Ngọc Lão Hổ của Cổ Long tiên sinh bắt bọn này phải kiệu mình nhưng lại thôi vì không kịp. Lần sau phải tranh thủ trả thù dân tộc.

Rất nhiều hình ảnh đẹp về Nga my các bạn có thể search trên mạng , nếu thích. Mỗi vùng đất mà chúng ta đi qua trong Cuộc đời ngắn ngủi này nếu các bạn để ý sẽ rất có ý nghĩa trong quãng đường dài dằng dặc phía trước. Vài dòng giới thiệu rất chủ quan, chia sẻ một chút đam mê này nọ không đáng gì.

Have nice weeken !

NXP

TÔI ĐI LÀM ( T/g: Chuti)


Ngày nhận tin tôi được đi làm, gia đình tôi mừng hết đỗi. Chí ít quân số thất nghiệp trong gia đình tôi giảm đi một. Niềm vui của chị tôi chắc gấp đôi.
Thời gian sau tốt nghiệp của tôi, cũng là ngày chị lên xe hoa về nhà chồng. Bên những lời chúc của bạn bè thân hữu. Trong sự hân hoan của gia đình mừng cho hạnh phúc của chị. Đâu đó, những ánh mắt trong nhà trộm gặp rồi vội quayđi...
Ngày chị đi lấy chồng, cũng là lúc đoàn quân thất nghiệp trong gia đình tôi xếp thành hàng, khó khăn tiếp khó khăn. Của hồi môn chỉ là những nỗi niềm mong cho chị hạnh phúc.
Lấy chồng, chị mang bầu đứa cháu gái đầu tiên của gia đình. Gặp bao biến cố trong cuộc sống và công việc. Chị sắm vội cái bàn nhỏ, một cái ghế cùng cuốn sổ nhỏ… Công việc ghi chép, chị làm tốt. Chữ chị đẹp lắm. Chiều chiều, bên lề  đường Chùa Chiếu, dễ nhìn thấy một người phụ nữ trẻ bụng bầu dáng cao, trắng trẻo ngại ngùng trước dòng người qua lại. Chị ngồi đó đến tối…
Ngày sắp sinh, những tháng đầu chị nuôi cháu, tôi nhận bàn giao cái bàn nhỏ ấy. Chị ái ngại, thằng em trai thư sinh vậy, sao nỡ  “xã hội đen” đầu đường thế được. Nhất là những tháng ngày chị biết tôi nhận được thông báo trúng tuyển, chị càng lo. Chuyện đề đóm, pháp luật nhỡ đâu ảnh hưởng tới bước đường phía trước của tôi!? Nhưng phải nói, tôi bán rất đắt đề. Các bà, các cô gần chợ ngày ấy, chiều chiều kéo đến làm đỏ cả mặt và cháy hết cuốn sổ ghi đề của tôi… Và cháu gái tôi lớn lên có phần đóng góp bởi vài đồng bạc cắc ghi đề của cậu nó đầu chợ ngày ấy. Cũng chính vì vậy, chị có lẽ là người mừng cho tôi đi làm nhiều nhất. Có dư một năm, chị lo lắng cho tôi…
Sau cái buổi học cuối khóa cảm xúc ngày nào, con đường làm thầy của tôi bị chặn lại. Những tháng ngày chán nản và mất phương hướng. Hồ sơ chỗ nào cũng bị loại từ vòng trà nước. Kể cả cái hồ sơ về quê Quảng trị làm shipping cũng vậy… Tôi trở thành con ma ngủ như mẹ tôi nói. Ngủ cho dài đêm, ngắn ngày lại. Ngủ ươn cả giường… Và đã có giai đoạn sau đó, được cố vấn bởi mấy đại ca các khóa trước, sau những cơn ngủ dài, tôi xách vợt mon men tới một số cơ quan có “sếp” mê thể thao như công ty vận tải xăng dầu, HTX Ánh sáng, Cơ khí duyên hải… Nhưng cũng chẳng ăn thua, quân số bóng bàn của họ đã đông, có số má mà còn tập luyện thường xuyên hơn tôi nữa. Tôi lại thất bại khi đi tìm nghề bằng tay trái.
Cuối năm 1990, suýt nữa tôi trở thành chuyên gia in lưới. Ông anh kết hợp với một giáo viên khoa Kinh thế làm nhãn pháo đưa về Thái Bình bán Tết. Anh tôi phụ trách khâu kỹ thuật và sản xuất. Giáo viên kia chịu trách nhiệm giao hàng và thanh toán. Tôi và chị làm thợ in. Nhà cửa như phân xưởng, màu mè nhoe nhoét, mực in dính khắp người, khắp nhà. Tuy nhiên, đây là những tháng ngày đau đầu hơn mệt xác. Chúng tôi luôn gặp các vấn để về kỹ thuật và chi phí sửa khuôn in. Mỗi lần vậy, nhiều tiền lắm. Anh tôi làm nghề in, nhưng in lưới là nghề học lỏm. Tiền vay mượn hết sạch… Nhìn mặt anh  những lúc ấy mà thấy tức thở.  May mà nhớ tới đứa bạn gái KT-26, nó có bà chị làm nghề in. “Dừng!”- chị nó bảo thế…
Tháng tháng trôi qua, hơn năm trời vật vờ , tạm bợ. Bạn bè báo nhiều tin vui nghề nghiệp làm mềm lòng kẻ ở lại như tôi. Và như từng nói, những lúc khó khăn, tôi luôn có sự giúp đỡ của bạn bè. Đó là đầu tháng 9/1991, thằng bạn KT-26, lại KT-26! xuống nhà báo tin. Một cựu giáo viên kinh tế đang làm tại Ngân hàng Hàng hải, muốn giới thiệu hai xuất thi tuyển vào công ty Gemartrans. Nghe nói khó lắm, chúng toàn nói tiếng tây. Tôi được dẫn đến gặp ông thầy, có bốn xuất, trong đó hai COCC đã được duyệt. Còn lại hai, giám đốc chi nhánh Hài Phòng muốn giới thiệu với Sếp tổng dạng “hiền lành, dễ bảo”. Cả bốn sẽ vào Sài gòn thực tập, hai thằng không quen biết sẽ ở lại. Tôi quyết tâm với thầy: “Làm shipping trên miền núi em cũng đi chứ nói gì Sài gòn!”. Tôi và một thằng KT-25 được đề cử.
Sau cùng tôi làm shipping tại Sài Gòn chứ không phải ở miền núi
Ngày chuẩn bị phỏng vấn. Tôi có biết gì đâu. Tiếng anh thuộc hàng khủng long biếu cổ, vi tính thấp như vịt chặt chân. Ông thầy giúp chuẩn bị kỹ năng phỏng vấn. Gói Vinataba rủng rỉnh trong túi áo, sẵn sang ứng thí…
Tôi bị choáng ngay từ khi bước vào văn phòng Gemartrans ngày ấy. Sang trọng và chuyện nghiệp quá sức tưởng tượng của tôi. Bao thuốc Vinataba vừa lấp ló thì ngay lập tức thằng Anh quốc ba số 5 lao ra chặn đường. Hết cửa! Chẳng phỏng vấn tiếng Anh, tiếng em gì cả. Thằng KT-25 dù sao còn lao vào thể hiện bản lĩnh vi tính, khi lúc đó có một IT kính đeo lòi mắt từ Sài gòn ra. Còn tôi, quả thật bị khớp và mất tiếng. Sau khoảng 1 giờ nghe mấy ông Sếp hào hoa nói tục, nói phét, chúng tôi về và chờ ngày tái ngộ.
Dù gì cũng được giới thiệu và tham gia phỏng vấn công ty “xịn” này rồi. Thằng KT-25 hào hứng sau khi đã “show” hàng được chút. Đi liên hoan! Tôi như cái máy tuân lệnh thằng KT-25. Hai chai bia Hà nội phía vườn hoa Nguyễn Du là phần thưởng cho chiến công đầu. Cả hai loáng choáng, tưởng như đã hóa chim…
Ngày hôm sau, cựu giáo viên kia nhắn tin. Tôi được trúng tuyển vòng Hải Phòng. Thằng KT-25 bị loại (sau đó, bằng sự cố vấn của cựu giáo viên, nhân vật này tự vào thẳng trong Sài Gòn xin trực tiếp và hiện vẫn làm GMD). Thật bất ngờ! Nhưng tôi đã mơ hồ nhận ra cách thức phỏng vấn và PR bản thân như thế nào có thể đạt hiệu quả cao nhất. Một bài học mà sau này, khi vào Sài Gòn, tiếp tục lần nữa được phỏng vấn bởi những cây đa, cây đề, tôi đã làm tốt hơn…
Thế là tôi lên đường vào Sài gòn trong niềm vui và hy vọng của gia đình, có cả ánh mắt rưng rưng của chị tôi nữa. Chị mừng mừng khi thằng em trai đã có thể bàn giao lại cái bàn đề nhỏ ấy để vững tin trên con đường mà chị nghĩ, sẽ tốt hơn...
Con đường lập nghiệp của tôi thế đấy, đầy ắp tình bè bạn. Từ thằng bạn nghèo lo cho tôi đôi dép lê tàu trước phút khởi hành ngày ấy. Từ đứa bạn gái KT-26 với những kinh nghiệm mách bảo, tránh một tổn thất kinh tế như bài học về làm ăn và con người. Tôi lên đường lập nghiệp mang nặng nghĩa tình của thằng bạn KT-26, không ồn ào, tiếng tăm nhưng chả thiếu sự quan tâm và trân thành. Tôi vào nghề, có sự quan tâm đặc biệt của một người anh, một người thầy. Ngoài cơ hội nghề nghiệp, anh còn cho tôi một kinh nghiệm về ứng xử và lối sống có trước có sau. Mặc dù còn một cuộc phỏng vấn và thời gian thực tập với những khó khăn, bất ngờ sau đó tại Sài gòn. Cũng như trên con đường nắm bắt nghề nghiệp của mình, tôi còn nhận được nhiều sự giúp đỡ nữa. Nhưng khi đặt bút, tôi đã như muốn nói về những con người thầm lặng bên cạnh tôi trong những ngày đầu lập nghiệp ấy: hãy cho tôi nắm chặt tay các bạn…!
Tôi vào Sài gòn ngày 08/10/1991 sau khi trình diện và qua một cuộc phỏng vấn đáng nhớ nữa mà tôi hay nói “có cô xui”, ngày 14/10/1991 tôi chính thức đi thực tập và vào nghề. Một ngày đặc biệt đối với tôi: ngày 14 tháng 10.

HCMC 18/7/2011 – CHUTI

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

CHÚC MỪNG SINH NHẬT KIM ANH (23/7)

KIM ANH THÂN MẾN!
TẬP THỂ KT-26 CHÚC KIM ANH LUÔN TƯƠI TRẺ, HẠNH PHÚC VÀ THÀNH ĐẠT!
Một món quà từ Chu Xuân Bảo

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

SAU NGÀY TỐT NGHIỆP

       Tốt nghiệp xong hắn ở nhà phụ giúp Bu bán thịt lợn. Phần vì muốn nghỉ ngơi, phần vì cũng chẳng xin được việc ở đâu cả. Gia đình hắn chẳng có ai quen biết ở ngành hàng hải.
Hắn đi học võ, đầu tiên là Thiếu Lâm do bạn của ông anh dạy, học ban đêm, được một thời gian hắn chán vì tập trong điều kiện thiếu ánh sáng và chẳng có bạn, có lớp gì. Sau đó có lần hắn được xem một buổi biểu diễn karate, thấy mấy cao thủ mang đai đen biểu diễn kata (quyền) và kumite ( song đấu). Họ vừa mạnh mẽ vừa bay lượn như trong phim làm hắn mê quá và xin học Karate tại nhà văn hóa thanh niên. Lớp này do ông thầy từ Hà nội xuống mở, ông thầy là người nổi tiếng và sau này là huấn luyện viện trưởng của đội tuyển karate Việt nam.
Hồi đó có cái mốt là con zai phải biết : ghita dăm ba bài, võ tàu dăm ba miếng ( văn võ song toàn, thập toàn đại bổ !!!) Hắn cũng bị cái mốt đó hấp dẫn.
Một năm sau, đùng một cái có ông thầy giới thiệu : 
Có công ty đang cần 1 thằng kỹ sư kinh tế vận tải, mày đi làm không?? 
Vâng đi chứ. Hắn hăm hở.
Hắn tới công ty gặp ông giám đốc, đem theo hồ sơ . Trụ sở Công ty gì mà vắng lặng, đìu hiu. Hỏi ra thì mới biết công ty làm ăn thua lỗ, giám đốc bị kỷ luật . Trên Hà nội mới cử một ông Phó tổng gì đó xuống cơ cấu lại.
Được rồi hôm sau đi làm.
Chú có cần xem hồ sơ của cháu không? 
Không. 
( Chắc có ông thầy giới thiệu rồi)
Công ty đó là một doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng đường thủy chuyên về trục vớt, phá đá ngầm, xây dựng cầu cảng…
Hắn được làm kế toán trưởng của một đội sản xuất.Oai!! Ngày đó do tình hình thị trường khó khăn một số công ty yếu kém quản lý theo cách như vậy. Họ lập ra nhiều đội sản xuất không có tư cách pháp nhân, giao tài sản thiết bị, nhân công, Nếu công ty có hợp đồng thì giao việc còn không thì tự kiếm. Các đội có doanh thu thì nộp một phần về công ty…
Hắn thất vọng và tự nhủ thôi cứ làm tạm, khi nào kiếm được việc khác thì biến.
Ngày đi học hắn vừa sợ vừa ghét môn kế toán . Cứ nợ nợ, có có rắc rối quá thể. Thế mà bây giờ lại làm kế toán!! Hắn phải mua sách đọc lại từ đầu và được một số anh chị trong công ty cũng là dân kinh tế sông từ trường ra chỉ bảo. Cuối kỳ hắn cũng lên được cái bảng cân đối. Mấy người khen hắn làm chắc tay. Ông trưởng phòng kế toán còn hứa hẹn: cứ làm cho tốt rồi tao sẽ đưa về phòng kế toán công ty làm…
   
Vì là kế toán của đội sản xuất nên hắn kiêm luôn công tác hậu cần. Mua vật tư dụng cụ, theo tàu ra công trường nếu cần thiết. Hắn ghét việc kế toán nhưng những chuyến đi ấy thực sự làm hắn hạnh phúc.
Có lần đội của hắn tham gia giải phóng hàng cho một cái tàu chở than bị đắm ở Vịnh Hạ Long . Hắn phải đi theo để trông coi mấy cái sàlan than vớt từ tàu lên. Đó là chuyến công tác xa nhà đầu tiên của hắn. Hắn được ngủ giữa vịnh hạ long thơ mộng, không phải trên du thuyền mà trên sà lan chở than!!! Với hắn thế cũng quá lý tưởng. 
Cũng trong chuyến công tác đó hắn được gặp lại hai cô bạn cùng khóa làm cho công ty vận tải biển. Văn phòng của họ nằm ngay bờ biển, nhìn ra vịnh Hạ Long. Tới thăm văn phòng hai cô bạn mà hắn cứ thầm ao ước: bao giờ mình mới được làm ở một công ty dư thế này !!??
Hắn vẫn vừa đi làm vừa học võ với ước mơ ngoài giờ đi làm sẽ đi dạy võ. Thầy hắn bảo ở bên Nhật người ta vẫn làm như vậy, nhiều người ban ngày đi làm văn phòng , làm business, còn ngoài giờ là những võ sư…
Hai năm sau ngày tốt nghiệp thì hắn chuẩn bị thi lấy đai đen karate. Có vẻ như ước mơ làm võ sư sắp thành.
Thế nhưng hắn trúng tuyển vào một công ty vận tải biển đúng như mong đợi và được cử vào Sài Gòn học việc.
Hắn lên máy bay vào SG lòng thầm nghĩ mấy tháng nữa về sẽ thi đai đen. Nhưng hắn đi gần hai chục năm rồi mà chưa về được. Người ta bảo hắn có số lập nghiệp xa quê hương.  
Còn một đều quan trọng nữa... hắn vẫn làm kế toán!!!
KT

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

SAU NGÀY RA TRƯỜNG (T/g: Thùy Dương)


(Hưởng ứng lời kêu gọi viết về nghề)

Trong lúc chờ đợi công việc, thời gian & sức lực lúc này ứ thừa. Bắt đầu thử tự kiếm những đồng tiền đầu tiên.
Nghề 1: May hàng gia công
- Mẹ ơi, con nhận đồ may gia công về làm nhá!
- Ôi con có may vá bao giờ đâu, làm được không?
- Thì con thử xem sao…
Mang đống vải về may quần đùi gia công. Được một tháng cặm cụi máy máy tháo tháo, lại máy máy & tháo tháo. Tiền công thì ít, tiền chỉ thì nhiều.  Cầm mấy đồng tiền kiếm được đầu tiên trong đời mà rớt nước mắt. Thương mẹ nhiều hơn một tí. Kết luận: không phù hợp năng khiếu. Chuyển.

Tác giả từng chạy bàn - ảnh minh họa
Nghề 2: Chạy bàn
-          Này con, con với mẹ đi đến nhà chị Hằng, chị ấy làm giám đốc nhà hàng Phong Lan. Xem có việc gì cho con làm tạm.
-          Vâng ah!
Đó là cái quán chuyên bán bia & các đồ  nhậu, nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Chỗ ấy bây giờ là vườn hoa trước nhà triển lãm thành phố. Vào những năm đầu thập niên 90, thành phố ít quán ăn nhậu, nên quán Phong Lan rất nổi tiếng & đông khách. Bà chị sếp cho việc chạy bàn. Công việc theo ca, chạy tha hồ, mệt nhoài. Chỉ được cái làm ngoài trời thoáng đãng. Sau nghề này, số đo vòng “eo” thì giảm và số đo vòng đùi thì tăng. Làm được 3 tháng biết thế nào là lễ độ. Híc híc, kiếm tiền bằng sức lao động chân chính thật mệt. Nghỉ.

Nghề 3: công nhân nhà máy thuỷ sản
Công việc: Phụ trách (chỗ mình đứng) dây chuyền bóc vỏ tôm xuất khẩu . Làm trong phòng lạnh, đi ủng, quần áo bảo hộ, tay không đi găng để bóc cho nhanh. Làm theo ca, mỗi ca 6 tiếng thôi. Nhờ có giai đoạn này  mà về sau bóc tôm cho hậu duệ “xiêu” luôn. Vẫn nhớ mặt con bé đứng cạnh, người Thanh Hoá, nước ăn tay rỗ sạch trông như miếng bọt biển. Tay mình lại không sao cả. He he…Tuy nhiên, hết ca nhìn đôi tay mình nhăn nheo, bệch bạc thấy thương. Lương tính theo sản lượng. Cuối tháng lấy lương thấy thua nhiều đứa nhưng cũng hơn vài đứa. Ngày tháng trôi qua chậm chạp quá! Mệt.

Nghề 4: Phụ trách máy vi tính công ty.
Một đêm về vắt chân lên chán nghĩ: Bằng tốt nghiệp khoa kinh tế VTB, bằng C tiếng Anh, bằng sơ cấp vi tính lập trình cơ bản mà lại đi lao động chân tay? Phí!
Tập trung xin vào một công ty container. Vừa may, công ty này đang cần người làm máy tính. Thời đó, không như bây giờ, máy vi tính cả công ty chỉ có một cái, chắc hơi nhiều tiền, nên có riêng người phụ trách cái máy này (giống vậy, máy photo cũng có người phụ trách riêng). Thế là vào làm, cũng tập tạnh lập trình trên foxbase như ai, vào sản lượng, doanh thu & tính lương. Khi đó chả mấy người  biết vi tính là cái đinh gì, nên cũng oai phết. Lại bằng cấp chính qui đầy người. Đạt tiêu chuẩn rõ cao. Đi trong công ty mọi  người nhìn ngó chỉ trỏ thì mặt cũng vênh lên oai như cóc tổng (sai lầm quá! Mãi sau này mới thấy mình ngu tệ…) Nhớ thời gian đầu, mỗi tháng mua được 1 chỉ vàng để dành. Tổng cộng mua được 8 chỉ thì chán, ăn tiêu đập phá, cho mẹ hết. 8 chỉ vàng ấy vẫn còn đến tận bây giờ, cất kỹ trong “ruột tượng” làm ký niệm.

Nghề 5 – hiện tại: kế toán kiêm quản gia kiêm ngó, viết & còm men blog.
Thành quả đến nay: một lãnh đạo 62 kg , hai hậu duệ, một 57kg, một 40 kg. Bản thân: 56 kg. Cộng mớ lại (móc hàm cân hơi) được: 255 kg.
Nghề quản gia hoá ra lại có nhiều thành công nhất, thôi thì làm tốt một việc còn hơn dang dở cả đống việc. Nguy cơ thất nghiệp cận kề do hai hậu duệ đã được luyện việc tự chăm sóc bản thân, tự phục vụ nhu cầu ăn uống, vui chơi, học hành. Vui.
Năm ngoái tự nhiên nổi hứng đi học kế toán trưởng. Cũng bằng giỏi cơ đấy! Nhưng hiện tại chưa mài bằng này ra ăn được. Chưa vượt qua được chính mình. Chán.
Nghề ngó, viết & còm men blog có tiềm năng nhưng vẫn ở thì tương lai, hiện tại thấy mù  mịt. Sau này chắc nghề này đi theo đến hết đời luôn, hay đổ đốn ra làm thơ giống bu? Chẳng biết nữa…Hy vọng.

LÁ THƯ HỌC TRÒ ( T/g: Chuti)


Lời đầu: Đang cắn bút kiếm quà của BBT về đề tài giảng đường và nghề nghiệp. Đọc ST về hoa phượng trên Blog. Bỗng dưng ký ức học trò bay về, đành nhường mảng giảng đường trẻ con tham gia trước đã…

“Cha mẹ chúng mày chứ, đi đứng thế à..!?”
Tiếng phanh gấp của chiếc taxi dừng sát sạt làm người bán hàng đầu chợ giật mình. Và như phản xạ tự nhiên, tiếng chửi đổng của người đàn bà buôn bán lề đường ném thẳng vào chiếc taxi lù lù ngay trước sạp trái cây đang được bày biện.
“Mới sáng ra đã ám quẻ..” – Người bán hàng vẫn chưa hạ cơn bực tức như điềm xấu buổi sớm mai.
Chiếc taxi mở cửa. Một người đàn ông bước xuống, tiến về phía sạp trái cây. Dáng vẻ lịch sự với bộ veston xanh sậm, chiếc cà vạt hợp với màu áo sơ mi xuất hiện dường như đã hạ bớt cơn giân dữ của người bán hàng. Một sự trao đổi nhanh giữa hai người. “Một ông khách xộp!” – Bà bán hàng cười thầm trong khi hai tay vẫn nhanh nhẹn nhặt hết loại này đến quả kia cho một giỏ trái cây theo yêu cầu của người khách đầu tiên trong ngày.
 Người đàn ông xoay chiếc ghế trong lúc chờ đợi. Hướng ánh mắt xa xăm về cái chợ Lạc Viên gần trung tâm thành phố. Không quan tâm tới việc mua hàng, ông khách đăm chiêu tìm kiếm điều gì đó ở đằng sau cái cổng chợ quen quen, là lạ mà có lẽ đã 30 năm có dư rồi ông ta mới có dịp để ngắm nghía và hồi tưởng …

          … Thằng học trò mặt đỏ ửng bước vào lớp mới, gần cuối học kỳ I năm lớp 5 ở một cái trường làng ngày ấy... Thầy chủ nhiệm giới thiệu về thành viên mới của lớp. Đúng là lũ trẻ, hơi ngại ngùng lúc đầu, nhưng ngay sau đó chúng tíu tít làm quen, mau chóng nhập hội và bày nhau nhiều trò nghịch ngợm.
Con bé lớp trưởng luôn miệng nhắc nhở lũ con trai, con gái trong lớp về trật tự và vệ sinh. Nó không quên thi thoảng đánh ánh mắt động viên và bảo vệ thằng học trò mới của lớp. Thằng học trò không muốn có sự “bảo kê” nào cả, nó là con trai mà, chẳng qua nó mới chuyển lớp mà thôi! Nhưng quả thật, con bé lớp trưởng này phát triển sớm, cả suy nghĩ nữa. Nó cứ như chị cả của lớp vậy. Thằng học trò bụng cũng thán phục dáng vẻ con bé lớp trưởng những lúc chững chạc bênh nó. Mặt ửng đỏ tránh cái ánh mắt  động viên của một đứa con gái đang lớn…
Học kỳ một nhanh chóng kết thúc. Thằng học trò lại được bầu làm lớp trưởng. Nó ngại ngùng đánh ánh mắt dò xét về phía con bé lớp trưởng giỏi giang và luôn bênh nó. Nhưng hình như con bé không những không buồn mà nó còn vui nữa!? Trước khi nghỉ hè, thằng học trò mặt đỏ nhừ khi con bé lớp trưởng vội vàng đi sát và dúi vào túi quần nó một cái gì đó. Trước ánh mắt tò mò, trêu ghẹo của lũ bạn, thằng học trò cúi mặt, đi nhanh khỏi lớp… Về đến giữa đường nó mới dám thò tay vào túi quần và lấy ra một mảnh giấy viết vội nhưng rất đẹp và quen thuộc: “Cậu đọc bài tổng kết rất hay. Cậu rất xứng đáng là lớp trưởng đấy!” . Hay thật, một con bé lớp trưởng bị mất chức chúc mừng thằng học trò vừa thay nó làm lớp trưởng. Khó hiểu thật!
Tuổi học trò - hình minh họa
Chúng nó học với nhau thêm một năm lớp 6 nữa. Con bé lớp trưởng vẫn luôn thể hiện vai trò làm chị của mình để bảo vệ thằng học trò kể cả sau này nó đã là lớp trưởng… Thế rồi, chẳng biết sao, con bé lớp trưởng dính vào một vụ sì căng đan gì đó dịp nghỉ hè. Nghe nói vụ cái quần, cái áo của chị đứa bạn cùng lớp bị mất thì phải. Chả biết đúng sai thế nào, tin ấy được chúng nó mang vào năm học mới. Cứ lúc cãi vã nhau, chúng nó lại mang ra bêu diếu. Chả có ai bênh nó cả. Mỗi lần như vậy con bé lớp trưởng cứ ôm mặt chạy vào lớp, gục xuống bàn…
Thằng học trò cũng chẳng làm gì để thể hiện cái sự trưởng thành của mình mà con bé lớp trưởng đã từng động viên. Ừ, sau từng học kỳ, nó đọc các bài tổng kết ngày càng hay hơn. Nhưng nó không làm được cái việc giống như con bé lớp trường hay làm với riêng nó. Chí ít, như ánh mắt động viên của con bé lớp trưởng từng làm mặt nó ửng đỏ lên ngày ấy… Tệ hơn nữa, trong một lần cãi lộn, thằng học trò còn không kịp ôm miệng , buông nặng một lời nghi ngại. Đại khái nó sẽ cứ hiểu như mấy đứa con gái trong lớp tung tin vậy…

…Và cái gì đến cũng sẽ đến. Lần này không phải dòng chữ trên tờ giấy viết vội dúi vào túi quần thằng học trò nữa. Con bé lớp trưởng đến tận nhà và mời : “Hằng chuẩn bị đi bộ đội, tối hôm tới cậu đến liên hoan chia tay với Hằng nhé!”. Thằng học trò bất ngờ. Nhưng cái bất ngờ của thằng học trò cũng chẳng giống ai cả. Nó bất ngờ là tại sao con gái lại đi bộ đội. Ngốc thật, nó chẳng để ý cái gì ra hồn cả. Nên đến bây giờ nó cũng chẵng biết tuổi của con bé lớp trưởng. Đoán loáng thoáng là hơn nó khoảng 1-2 tuổi gì đó. Nếu vậy, lúc ấy con bé lớp trưởng khoảng  trên dưới 15 tuổi thì phải. Nó cứ vô tư gật gật cái đầu như đồng ý sau khi được biết con bé lớp trưởng cũng sẽ mời cả lớp 7A7 của nó vào ngày mai. Thằng học trò cũng chẳng thèm bận tâm đến ánh mắt tinh nghịch và nụ cười bẽn lẽn của con bé lớp trưởng khi chứng kiến nó vô tư nói chuyện với một cô gái đang lớn bằng một cái quần sà lỏn te tua và cái lưng trần đẫm mồ hôi đêm hè năm ấy…

Tối hôm ấy, vui lắm. Một lũ trẻ con tiễn bạn là con bé lớp trưởng đi bộ đội. Đĩa bánh kẹo vừa đặt ra, hàng chục cái tay với vào, nhoáng một cái, đã hết sạch. Chả biết mấy đứa con gái hay miệt thị con bé lớp trưởng suy nghĩ gì, nhưng lũ trẻ còn lại vẫn cứ vui vẻ như không.
“Cậu vào đây tớ nhờ một tí..” – Con bé lớp trưởng gọi thằng học trò
Thằng học trò mặt đỏ nhừ, ấp úng. Người cứng đờ, xấu hổ trước những ánh mắt tò mò và trêu ghẹo của lũ bạn. Con bé lớp trưởng cứ thản nhiên kéo thằng học trò vào căn buồng kín như lôi một thằng em vùng vằng không chịu nghe lời.
“ Cho Hằng xin địa chỉ nhé!?” – Con bé lớp trưởng đưa ra một cuốn sổ nhỏ.
“ Hằng lấy địa chỉ để làm gì?” – Thằng học trò ngốc ngếch hỏi lại.
“Hằng sẽ viết thư cho cậu, cậu nhớ viết thư trả lời cho Hằng nhé” – Con bé lớp trưởng ném ánh mắt hy vọng vào khuôn mặt đỏ nhừ của thằng học trò.
Thằng học trò ngoan ngoãn run run đặt bút. Nó chỉ máy móc ghi vậy chứ có lẽ không hề nghĩ tới việc nhận và gửi thư của chúng nó lúc ấy.

Những ngày hè sau đó, thằng học trò mải mê với những ngày xả hơi chuẩn bị vào cấp 3. Nó bị bất ngờ khi ông đưa thư mang tận đến nhà nó một bức thư với dòng chữ đẹp, nắn nót. Thư của con bé lớp trưởng… Trước đó, có lẽ chẳng khi nào nó nghĩ có thể nhận được thư. Mà lại thư của con gái nữa chứ. Chị nó cười cười, trêu ghẹo, làm thằng học trò mặt đỏ nhừ. Cũng như lần cái mảnh giấy dúi trong túi quần, thằng học trò vội vàng giấu ngay bức thư đầu đời của nó. Nó giấu ở chỗ nào cũng chẳng thấy an toàn… Cho đến lúc đinh ninh mọi người đã ngủ, nó thắp đèn, mở lá thư của con bé lớp trưởng gửi cho nó…
Nó đã hiểu ra nhiều sau khi đọc xong lá thư ngày ấy. Nó biết lý do tại sao con bé lớp trưởng xung phong đi bộ đội. Nó biết những khó khăn khi con bé lớp trưởng chưa đủ tuổi tòng quân, mà là con gái nữa chứ. Nó biết được cuộc sống của một nữ nuôi quân là như thế nào… Và trong thư, con bé lớp trưởng vẫn không quên động viên nó. Có chăng thằng học trò còn thấy khó hiểu khi con bé lớp trưởng nói, con đường học hành của nó có lẽ chấm dứt từ đấy…
Cả ngày hôm sau, nó đánh vật với bức thư trả lời theo thỉnh cầu của con bé lớp trưởng. Cũng như lúc đọc thư, nó dấm dúi trong góc căn buồng nhỏ với một ô cửa sổ thấp tè. Mắt la mày liếc như kẻ trộm… Nó đã viết xong. Nắn nót dòng địa chỉ trên chiếc phong bì tự chế, dán chiếc tem đã qua sử dụng được tẩy dấu bưu điện bằng kem đánh răng mà nó nghe lỏm được mấy anh sinh viên trong trường tán gẫu. Nó gửi đi lá thư đầu đời.
Thằng học trò lại tiếp tục nhận được một lá thư thứ hai sau đó hơn một tháng. Cũng gần giống như bức thư đầu. Con bé lớp trưởng lại kể về cuộc sống nữ nuôi quân của nó, những vất vả và niềm vui. Những dự định và nghiệp bộ đội phía trước. Và cũng không quên viết cho thằng học trò những lời động viên và nhắn gửi...
Thằng học trò không còn bỡ ngỡ nữa, nó đã có kinh nghiệm mở và đọc thư. Nhưng hình như không thấy thằng học trò dấm dúi viết thư trả lời nữa… Hè cấp hai cuối cùng đã hết. Thằng học trò bước chân vào trường cấp 3 với nhiều bạn mới, một môi trường mới bỡ ngỡ hao hao giống như cái ngày nó bước chân vào lớp mới có con bé lớp trưởng với ánh mắt che chở ngày nào…

“Bác ơi, hoa quả của bác xong rồi này.” – Bà bán hàng gọi giật giọng.
 “Vâng! Cám ơn bà. Cái chợ này giờ thay đổi nhiều quá bà nhỉ !? - Ông khách giật mình, nhanh chóng trả tiền và bước lên chiếc taxi đang đợi.
Bà bán hàng gật đầu ậm ừ chiều khách như thường thấy. Bà mỉm cười nhìn chiếc taxi chuyển bánh và nhanh chóng quay lại bày biện sạp trái cây để chuẩn bị cho một ngày bán hàng mới.

HCMC – 12/07/2011, CHUTI

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

CHÚC MỪNG SINH NHẬT MAI HOA 12/7

MAI HOA THÂN MẾN!
TẬP THỂ KT-26 CHÚC HOA SINH NHẬT VUI VẺ!

CHÚC HOA LUÔN TƯƠI TRẺ, HẠNH PHÚC VÀ THÀNH ĐẠT.
Một món quà từ Chu Xuân Bảo

HOA PHỐ PHƯỜNG (Tản mạn của Đỗ Phấn - S/t: Thùy Dương)


"Hà Nội đã vào giữa hè. Những con phố giờ đaynhư bức tranh nhiều màu của các loài hoa: hoa bằng lăng tím ngắt xen lẫn những vòm phượng rực đỏ. Mùa phượng nở cũng nhắc bọn mình nhớ lạinhững mùa hè thời đi học đã xa.
Xin tặng các bạn bài viết của họa sĩ kiêm nhà văn Đỗ Phấn. Chúc các bạn một mùa hè nhiều nhiều niềm vui." - Thùy Dương



Nhiều lúc lẩn thẩn hình như mình quên mất phượng là một loài hoa. Thay vào đấy là nhớ đến tuổi học trò. Nhớ đến những cuộc tập dượt chia li đầu đời với nỗi buồn bé mọn giản đơn chóng vánh. Và dĩ nhiên nhớ đến mấy cô bạn gái xinh xắn cùng lớp.  Những cuốn sổ lưu bút của các cô ấy hẳn là đã thất lạc lâu rồi. Lần cuối cùng mình trông thấy cũng đã gần bốn mươi năm.  Nhưng ngày ấy được gửi một cánh phượng vào trong sổ của các nàng không phải là chuyện ai cũng có vinh dự. Học giỏi đã đành. Lại còn phải hăng say trong các hoạt động tập thể - thứ không dành cho người kém năng khiếu và yếu sức khỏe.
Bạn mình học rất giỏi nhưng mắt cận, đầu to, chân tay lẻo khẻo. Hôm liên hoan chia tay ngắt đưa mình một cánh phượng ghé tai nói nhỏ, cậu ghi lưu bút vào sổ của Mai hộ tớ nhé, nó không đưa sổ cho tớ. Mình đồng ý tức thì. Nó là thằng bạn thân thiết nhất chia sẻ với mình suốt mấy năm học cuối cấp. Và Mai thì là một cô gái bình thường hơi có phần trầm lặng. Cố ấy rụt rè đưa cho mình cuốn sổ. Dặn, chỉ mình cậu ghi vào thôi đấy, không được chuyền tay! Mình cũng đồng ý tức thì. Ấn ngón tay cho cánh phượng dính vào giữa trang giấy trắng, nắn nót viết hai chữ bay bướm hết mức có thể, “Nhớ mãi”. Kí tên thằng bạn. Thế là thực hiện đúng yêu cầu của cả hai đứa. Không bao giờ gặp lại nữa nên cũng chẳng biết chúng nó có nhớ nhung như nguyện vọng.
Tháng sáu. Thành phố ngùn ngụt sắc phượng hồng. Những con đường bừng thức trên nền trời ngơ ngác xanh. Trên nền hoa bằng lăng lãng đãng xa xôi hờ hững tím. Mặt hồ in bóng những hàng hoa phượng nôn nao thắp lửa. Cơn gió trưa rải những cánh hồng lấp lánh chói ngập lối đi. Một sức mạnh vô hình níu kéo con mắt, níu kéo bàn chân. Những áo quần xe cộ dưới hoa chợt như khép nép khiêm nhường tĩnh lặng.
Mình lững thững đi dưới vòm hoa trên con đường Lý Thường Kiệt. Một con phố bây giờ xứng đáng thuộc vào hàng cổ nhất thành phố, bởi còn khá nguyên vẹn. Cả kiến trúc lẫn cây cối bên hè. Cả con đường và những gương mặt người trên con đường ấy. Dưới vòm hoa không nhìn thấy những tòa nhà chọc trời mới mọc lên. Không thấy cảnh chen chúc nháo nhào loạn xạ ồn ào bẳn gắt. Lặng lẽ một sắc đỏ cồn cào suốt chiều dài con phố như vài chục năm về trước.
Cơn lốc bán mua đổi chác đất đai đô thị nhiều năm đã lấy đi của Hà Nội những mảnh vườn, những khoảng trống trong những căn nhà cổ. Người Hà Nội từ giã thú chơi cây cảnh và trồng hoa trong vườn nhà. Những địa lan, phong lan, dạ hương, hồng và cúc lưu niên dần dà biến mất. Một cuộc chia ly vĩnh viễn. Hàng hoa bán những loại  hoa trồng công nghiệp như hoa nhựa. Xuất hiện sách dạy cắm hoa biên soạn phù hợp với hoa bày bán trên phó. Cắm thêm vào lọ hoa rất nhiều loại lá cành cỏ cây hoang dã như một niềm nuối tiếc. Nếu không có những phụ kiện như vậy thì chẳng biết làm gì với mười bông hồng bằng nhau chằn chặn như vừa lấy từ khuôn ép nhựa ra?
May mắn cho Hà Nội vẫn còn vàng rượi hàng cây cơm nguội mùa thu. Ấm áp sắc đỏ của lá bàng thưa thớt cuối đông. Vài gốc hoa sưa miệt mài giăng mắc trắng mưa xuân. Chút tím thanh tân háo hức bằng lăng đầu hạ. Và chan chứa tiếng ve trưa trong ngất ngây vòm phượng đỏ ven hồ.
S/t: Thùy Dương